Sunday, May 19, 2013

Chỗ nương tựa chân thật

Theo dõi bài thuyết pháp: Youtube - Lưu trữ

Người tu cần phải có những tâm nguyện cao cả, rộng lớn và đúng đắn để định hướng cho cuộc đời của mình. Thứ nhất, tâm nguyện đó định cho mình một mục đích rõ ràng mà mình phải đi. Bởi vì khi mình tu là khi mình từ bỏ tất cả là để tìm cái gì thì mình phải biết rõ điều đó. Thứ nhất là tìm sự giải thoát - đó là lý tưởng của đạo Phật. Chúng ta đều thấy rằng mỗi chúng sinh đều trôi lăn trong luân hồi vô tận. Chúng ta có mặt tại kiến này mà thực ra là đã luân hồi từ nhiều kiếp trước. Nếu mà chúng ta không giải thoát thì tiếp tục những kiếp sau chúng ta trôi lăn trong luân hồi nữa. Mà điều đó làm chúng ta thấy buồn tẻ, chán ngắt - nó lặp lại và mệt mỏi: cứ sinh ra, chật vật đấu tranh với cuộc sống, rồi già yếu bệnh hoạn, rồi chết. Nó cứ lặp đi lặp lại mãi mà không bao giờ đạt được một cái gì vượt lên trên được cái luân hồi lưu chuyển đó. Ở đây, ý nghĩa giải thoát là chúng ta ngừng được cái luân hồi trôi lăn đó, không bị nghiệp lôi mà mình có thể đi tìm chỗ đến như ý mình. Hoặc là như một vị Bồ Tát - muốn tái sinh về chỗ nào thì tùy ý, hoặc là không muốn tái sinh mà an trụ trong thể tánh để mà phổ độ khắp chúng sinh thì đều tự tại. Ý nghĩa của giải thoát thì hôm nay thầy không bàn tới, bởi nội dung rất dài và nhiều. Thầy chỉ nói lên mục đích của nó để chúng ta biết mà định hướng: Tu để không phải luân hồi mà có thể đi tìm chỗ thác sinh, chỗ an trú theo ý của mình.

Mục đích thứ hai (giống như mục đích giải thoát nhưng là ở một khía cạnh khác) là Giác Ngộ. Tất cả chúng ta đều là phàm phu si mê, ngã chấp giăng đầy trong tâm mình, vô mình, phiền não, những khổ đau giằng xé tâm hồn mình từng giờ từng phút. Chúng ta luôn bị thân-tâm mình sai xử. Những niềm vui ở thế gian mà chúng ta thấy được đều chỉ là cái tạm bợ, qua mau. Còn người mà vượt qua được cái vô minh phiền não đó thì tâm hồn trở nên sáng suốt - chúng ta gọi đó là Người Giác Ngộ. Người Giác Ngộ có được cái hạnh phúc vĩ đại trong nội tâm của mình, có được cái trí tuệ phủ trùm, có được lòng từ bi bao phủ khắp tất cả chúng sinh. Người Giác Ngộ tìm được giá trị của trí tuệ mà người phàm phu, si mê của chúng ta không thể nào hiểu được. Chúng ta có biết được điều gì thì đó chỉ là sự học hỏi, thêm một vài suy luận. Nhưng trí tuệ của chúng ta vẫn nhỏ hẹp nơi cái não của mình. Tâm của chúng ta vẫn phiền động, vẫn lăng xăng trong cuộc sống hàng ngày. Còn Người Giác Ngộ được cái nội tâm thanh tịnh mà phủ trùm cả đất trời. Cái hạnh phúc đó không gì có thể nói được. Người Giác Ngộ nhìn cuộc đời khác với chúng ta: chúng nhìn cuộc đời thì chúng ta mê đắm, ham thích, rồi chúng ta khởi tham-sân-si theo đó. Còn Người Giác Ngộ nhìn cuộc đời với một nụ cười giải thoát, nhìn cuộc đời như một giấc mộng, như một áng mây. Họ bình thản với cuộc đời mà lòng vẫn thương yêu mọi người - đó là cái hay, là tính cách của Người Giác Ngộ mà chúng ta phải cố gắng tu để đạt được.

Một mục đích gần hơn của người tu là được sống cuộc đời tràn đầy đạo đức. Chúng chưa nói chuyện cao xa là thành Thánh hay thành Phật; mà chỉ là làm sao trong đời sống hàng ngày của mình, mình đạt được đạo đức chân thật. Để làm gì? Trước hết, để chính mình có niềm vui, để chính mình không tạo nghiệp mai sau. Sau nữa là trở thành tấm gương sáng cho mọi người xung quanh. Cho nên, thầy nói, một người tu chưa cần phải chứng đạo, chỉ cần người đó có đạo đức là đủ để lợi ích cho chúng sinh, đủ để làm sáng danh Phật Pháp. Còn người tu mà ngôn hạnh chưa thuần, đạo đức chưa tròn, còn nhiều sơ hở thì khi người ta đến với mình, người ta nhìn thấy những sơ hở đó thì người ta mất niềm tin; như vậy, mình không có lợi ích cho ai, mà chính cuộc đời mình cũng không có chỗ nương tựa. Ở đây, đạo đức chính là chỗ nương tựa cho chính cuộc đời của mình.

Hôm trước thầy có nói với cư sĩ về chỗ nương tựa chân thật: thứ nhất là dựa vào Phước của chính mình, thứ hai là dựa vào nội tâm an định của chính mình. Còn những cái bên ngoài (như danh vọng, tài sản, con cái, v.v.) chỉ là phù vân mà thôi. Ở đây, thầy nói với người xuất gia thì phải lấy đạo đức làm chỗ dựa cho mình. Trong cái đạo đức đó, chúng ta sống thương yêu với huynh đệ, với mọi người mà nghiêm khắc với chính mình. Trong cái đạo đức này, chúng ta thanh lọc tâm hồn mình khỏi những cái tự cao, ích kỷ, tham lam, buồn giận, tự ái vặt vãnh, v.v. để sống được như là gió hòa với tất cả rừng cây, như là cuộc sống ba Tôn giả mà chúng ta tụng bài kinh Sống hòa hợp mỗi đêm (Con không sống bằng ý con, mà con sống bằng ý của huynh đệ).

Chúng ta lấy đạo đức để làm mục tiêu hướng tới. Cho nên, người tu ở đây thầy không buộc phải hiểu nhiều về giáo lý. Nhiều Phật tử đến đây cũng vậy, họ thất vọng với thầy vì không thấy thầy nói giáo lý gì cao siêu. Con đường thầy dạy đệ tử không nằm ở lý luận, không nằm ở chỗ lanh lợi, mà trên căn bản là tâm hạnh trước. Thầy muốn người đến tu trước hết phải có cái Hạnh tốt. Rồi trên mảnh đất tâm hồn đầy đức hạnh của họ, thầy mới đặt lên đó cái lâu đài Thiền định, thì cái lâu đài này nó không có sợ sụp. Bởi vì mảnh đất tâm của họ đầy đức hạnh, nên nó vững chắc, không lún sụt; thì lâu đài Thiền định đặt trên đó mới bền vững, mới thành công.

Bắt đầu bằng đạo đức và kết thúc bằng đạo đức. Muốn tu Thiền thì trước hết mình phải dựng cho mình một cái đức hạnh trong tâm cho vững vàng đã. Tu Thiền để làm gì? Để tìm đạo đức lại mà thôi. Đừng có đặt mục đích cao xa hơn nữa. Bởi vì mục đích cao xa đôi khi nó trở thành tham vọng. Ví dụ, một người nói "con tu để thành Phật", hoặc "con tu để đắc đạo", "để làm Thiền sư", "để có thể giảng pháp cho nhiều người nghe"; thì thầy nói người này có tham vọng. Người thật sự tu không có mục đích đó, người thật sự tu là người dùng tất cả các phương pháp tu hành (trong đó có Thiền định) để kiểm soát tâm hồn mình, để tìm lại cái đạo đức sâu thẳm thôi. Hồi mình mới tu, mình cũng đi tìm đạo đức, cũng dựng lập đạo đức. Rồi sau mình tu Thiền rồi thì cũng chỉ để đi tìm đạo đức mà thôi. Nhưng đạo đức ở phần sau nó sâu sắc hơn đạo đức ban đầu mình có. Ví dụ, khi ban đầu mình đến với đạo thì mình cũng nói là mình sẽ không tham lam, không giận hờn, không tự cao, đố ky. Nhưng khi mình tu lâu rồi, sức định mình có rồi thì mình cũng chỉ nói như vậy nhưng mức độ nó sâu khác nhau, nó sâu sắc hơn, ý vị hơn; mà khi mình nhìn vào tận bản ngã của mình thì mình thấy nó rõ hơn. Hồi trước kia, mình nói không tham, thì chỉ làm không tham; nhưng sau này mình nhìn thấy cái tham nó sâu thẳm trong cái bản ngã của mình mà mình hóa giải được nó. Cái giá trị của cái đạo đức lúc sau là như vậy, cho nên nó rất là nhẹ nhàng. Hoặc như buổi đầu mình nói là mình không giận hờn thì chỉ là không giận hờn. Ví dụ, có người khác chửi mắng mình thì mình cũng cố gắng không giận, bởi vì Phật đã dạy như vậy, thầy đã dạy như vậy. Nhưng với người tu lâu, có cái định sâu rồi thì cái không giận của họ nó khác. Cái không giận của họ không phải là mình phải làm như vậy, mà bởi vì cái tâm của mình lúc đó đã phẳng lặng, đã thanh tịnh. Tâm của mình đã rỗng rang, không còn một hạt bụi nào làm nó dấy động được nữa. Đó là cái không giận hờn của một người đã tu tiến.

Chúng ta cũng nói tới giải thoát, giác ngộ nhưng cái quan trọng là đi tìm đạo đức. Người tu mà diệt được bản ngã của mình, để đi tìm được đạo đức thì người này sẽ tiến xa trên đường đạo. Còn người tu mà nói để tìm được chân tâm, Phật tánh v.v. thì phải biết rằng người này sẽ tiến không xa. Mục đích khi đặt sai nói tạo cho mình một cái tham vọng ngấm ngầm; mà chính cái tham vọng đó nó làm tăng thêm bản ngã của mình. Ví dụ, chúng ta nói "mong cho tất cả chúng sinh thành Phật"   nhưng mà mình lại chỉ muốn một mình mình độ thôi, người khác độ thì mình buồn. Ví dụ, mình chỉ muốn giảng pháp cho mọi người nghe còn mình nghe ai giảng pháp thì mình buồn. Đó là cái bản ngã ngấm ngầm còn ở trong tâm. Hoặc là ở chùa mình, ông Phật đẹp, khi mình nghe ở chùa nào khác cũng có ông Phật đẹp thì mình buồn. Hoặc là mình nghe thấy ở đâu đó có người tu tiến bộ thì cái tâm đố kỵ của mình nó khởi lên mà mình không biết vui mừng. Ví dụ mình ngồi Thiền được nửa tiếng, còn huynh đệ mình ngồi được hai tiếng thì mình thấy không vui. Đó là những cái bản ngã ngấm ngầm làm cho một người tu bị thối chuyển. Mình phải kiểm soát tâm mình để khi thấy ai tu tiến thì mình mừng. Đó là đạo đức, mà càng tu lâu thì cái đạo đức này nó càng sáng lên - đó chính là giá trị của sự tu hành mà người đi tìm đạo đức là người tiến bộ chân thật. Bởi vậy, "Ngồi Thiền để làm gì?". Thầy dặn tới dặn lui: "Ngồi Thiền là để đi tìm đạo đức". Tâm định để làm gì? Để đi tìm đạo đức. Chứ đừng nghĩ rằng tâm định để mình chứng đạo thành A-la-hán, thành Phật. Thầy không có mục đích đó. Hoặc một số nơi cũng vậy, nói là "mọi chúng sinh đều có Phật tánh, đều có chân tâm; tu làm sao để ngộ được cái chân tâm, Phật tánh đó mà kiến tánh - tức là thành Phật". Thầy cũng nói là ở đây, thầy không có mục đích đó. Người nào có mục đích đó thì người đó giỏi hơn thầy, có thể tìm một chỗ khác tu, còn ở đây thầy rất thấp, đi tìm cái định để làm gì? cũng chỉ để đi tìm cái đạo đức mà thôi, chứ không có mục đích gì khác.

Thứ tư nữa, mục đích của người tư là để tập sống đời sống đơn giản. Thật ra, khi mình mới tu - Phước mình chưa nhiều thì cũng không ai cúng gì lắm thì mình không muốn đơn giản nó cũng đơn giản: đâu có ai cho mình quần áo đẹp - buộc lòng mình phải mặc đồ vá, đồ rách; đâu có ai cúng cho mình chén kiểu, buộc mình phải dùng chén đá, chén sành, v.v. Mọi thứ đơn sơ như vậy hợp với người tu. Rồi mình tu một thời gian, do Phước đời trước, người ta biết, tìm đến, cúng dường, trang bị lần lần cho mình những đồ đắt tiền. Ở đây, nếu mình không tỉnh thì mình đánh mất đời sống đơn giản của mình; mà chính thầy đang lo sợ điều đó, lo sợ cho chùa mình và lo sợ cho thầy. Bởi vì, khi mình có một ít người quý mến, thì lần lần họ cũng vừa thương mình và cũng vừa cầu phước thì họ trang bị cho mình đồ tốt, làm cho đời sống của mình tiện nghi hơn, dễ dàng hơn. Nhưng nếu chúng ta không khéo, không ý thức thì chúng ta sẽ đánh mất đời sống cao đẹp, đơn giản của người tu hành. Nên ở đây, thầy nói điều này là thầy dặn tất cả các huynh đệ: trong tâm nguyện của một người tu thì ráng giữ gìn đời sống đơn giản. Có nhiều khi có người mang đồ lên cúng, thầy nhìn món đồ cúng mà thầy cũng ngại ngùng, tại thầy nghĩ món đồ này làm thầy trở nên sang trọng lên một chút. Mà nó sang trọng lên một chút có nghĩa là cái đạo hạnh của thầy nó mất đi một ít, làm thầy cũng buồn. Cho nên khi nhận đồ của người cúng thì cũng nên dè dặt, mà đôi khi mình cũng phải biết từ chối. Chính ra thầy cũng từ chối nhiều món, mà cũng bị nhận mất nhiều món. Như có một lần có một số Phật tử có tâm tốt, muốn cũng cái máy đèn (máy phát điện), thì thầy vội vàng từ chối. Có một vài lần, có người cúng này cũng kia thầy cũng phải từ chối. Người tu phải biết từ chối những điều làm cho mình trở nên sang trọng. Thầy dặn điều này với các huynh đệ, phải nhớ suốt cuộc đời mình, sau này có những người không còn ở với thầy nữa mà ra đi để làm việc đạo thì nhớ lời thầy nói ngày hôm nay là phải biết khước từ trước sự cúng dường của người khác để mình giữ đời sống tu hành của mình đó được đơn giản, đẹp đẽ.

Dùng lời nguyện để định hướng cuộc đời tu hành của mình:
Ví dụ, mình có lời nguyện (khi mình ngồi Thiền vào thời khuya), mình chắp tay phát nguyện, niệm Phật xong thì mình cầu nguyện cho mình và tất cả chúng sinh đều tinh tấn tu hành (chứ không nên chỉ cầu nguyện riêng cho mình, bởi như thế mình sẽ trở nên ích kỷ); rồi mình cầu cho tất cả chúng sinh đều được giác ngộ đều được giải thoát; ai cũng phát tâm bồ đề rộng lớn, mọi người đều biết thương yêu nhau. Những tâm nguyện lớn đó sẽ định hướng cuộc đời mình, để mình không lui sụt. Hoặc là mình nguyện "dù trong gian khó, dù trong cám dỗ, con không bao giờ đánh mất đạo tâm", "luôn luôn dũng mãnh để vượt qua mọi chướng ngại, để tiến tu thành tựu được đạo nghiệp, để giáo hóa chúng sinh đền ơn chư Phật". Mỗi ngày, những lời nguyện trong đêm như vậy tích lũy chồng chất, huân tận làm thành một hướng đi định vào trong tâm hồn mình; để từ kiếp này và những kiếp khác mình không bao giờ đi lạc vào những hướng khác nữa. Đó là nhờ vào những tâm nguyện như vậy trong hàng đêm.

Rồi mình dùng lời nguyện để dựng lập đức hạnh. Ví dụ như khi mình thấy mình có tâm đố kỵ, thấy ai hơn mình bực thì mình phải nguyện làm sao? Mình phải nguyện "cầu chư Phật gia hộ đều được tu mau tiến bộ, ai cũng được mau giác ngộ, giải thoát. Mình cầu cho huynh đệ mình tiến trước thì nó diệt được tâm đố kỵ đang ngủ ngầm ở trong lòng mình. Chứ còn bình thường, mình thấy ai hơn mình khó chịu, cho nên bây giờ mình phải cầu cho huynh đệ được hơn mình, khi họ tu được hơn mình thì mình rất vui; đây là đúng với tâm nguyện của mình. Hoặc là, mình diệt tham vọng, "con nguyện, con ráng tu để đạt được Định mà diệt được chấp ngã", để mình diệt được hết các tham vọng ngủ ngầm, vì khi tu mà không khéo chúng ta vẫn có cái tham vọng ở trong đạo: nổi danh, đắc đạo, được mọi người quy hướng, lẽ kính, cúng dường. Còn ở đây ta phát lời nguyện để diệt cái chấp ngã của mình thôi, như không nguyện cái gì khác hết, không có cái gì khác hết, không có mục đích cao cả thần thánh nào khác, mà chỉ có mục đích là tiêu diệt cái ngã chấp của mình. Nhờ lời nguyện này mà những sai phạm ngủ ngầm của mình nó biến mất và mình không phạm sai lầm. Hoặc là mình nguyện để đạt được từ tâm vô lượng, "nguyện thương yêu tất cả chúng sinh". Thường thì mọi người hay thiếu cái này - mình mà bỏ lâu một thời gian thì cái tâm từ của mình nó biến mất. Lời nguyện này mà mình không lập mỗi đêm thì tâm từ của mình dần dần nó biến mất. Mỗi đêm khi ngồi Thiền thì nguyện thương yêu tất cả chúng sinh, nguyện đem cả cuộc đời mình để sống vì mọi người, nguyện tu hành để làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Nhờ lời nguyện đó mà lòng từ bi của mình tăng lên. Nếu hàng đêm mình không nguyện thì dần dần lòng từ của mình giảm xuống, đây là điều không hay. Hoặc là chúng ta nguyện vì chúng sinh mà tu: Thường chúng ta tu là vì mục đích của chính mình, như là tu để được cái định cho mình, hoặc diệt cái ngã chấp cho mình, bản thân mình được đạo đức, giác ngộ, giải thoát - thì nó vẫn là cái ích kỷ còn lại. Ở đây chúng ta có cái tâm nguyện là "vì chúng sinh mà tu" - chúng ta nhớ đến thế giới này, con người còn đau khổi, con người còn ác độc, thì chúng ta phải làm cố gắng tu để đóng góp cái công sức của mình cho thế giới này bớt ác độc, cho con người bớt đau khổ. Từng giờ phút mình đang nghiếp tâm đây là mình đang nghĩ đến chúng sinh, nghĩ đến mọi người mà tu, chứ không phải nhiếp tâm đây mà vì sự thành tựu của riêng mình. Người khi tu mà nghĩ đến chúng sinh, nghĩ đến Phật pháp mà tu thì người đó có Phước lớn có thể sớm thành tựu được. Còn tu mà chỉ nghĩ cho mình thì cái Phước rất kém - cái ích kỷ vẫn còn lại trong lòng mình. Khi mình tu mà vì thế giới này thì mình phải hết sức nỗ lực, không giải đãi. Tâm nguyện vì chúng sinh mà tu làm tăng thêm sức mạnh để mình có thể tinh tấn được. Trong giây phút mà nhiếp tâm, ví dụ, người mới tu nhiếp 10 hơi, người tu lâu nhiếp 100 hơi, 200 hơi; qua 100-200 hơi đó mình điều thân trở lại thì mình phải nhớ đến chúng sinh: "giờ này mình ngồi nhiếp tâm như vậy là để sau này chuyển hóa thế giới, cho bớt đau khổ, bớt ác độc". Sau đó mình lại nhiếp tâm 50 hơi khác. Cứ mỗi lần nhiếp tâm như vậy mà nghỉ thì mình lại nhớ đến chúng sinh, nhớ đến cuộc đời, nhớ đến mọi người. Ngày hôm nay, mình nhiếp tâm từng hơi thở, từng giây từng phút là vì chúng sinh mà tu chứ không phải là vì bản thân mình. Tâm nguyện đó làm mình có sức mạnh, làm cho tâm ích kỷ biến mất.

Một điều nữa thầy muốn nói là mình phải diệt tâm tự mãn. Không có gì tổn Phước bằng tâm tự mãn. Ví dụ như một người ngồi Thiền được 2 thời, 3 thời hay 4 thời trong một ngày thì lòng mình có cái tự hào, nghĩ rằng, "À, lúc này, mình tu cũng khá, mình ngồi được 4 thời một ngày" thì ngay lúc đó cái Phước mình biến mất hết - bắt đầu ngày mai mình sẽ đổ bệnh, gặp những chuyện buồn, gặp những chướng ngại làm cho mình không ngồi tu được nữa. Khi mình ngồi được 4 thời một ngày thì mình phải nhớ: Đức Phật ngày xưa ngồi được 49 ngày liên tục dưới cội bồ đề, hoặc mình nhớ những vị A-la-hán ngồi nhập định 1 năm 2 năm bất động trong rừng trong núi. Mình phải nhớ đến những vị Thánh đã ngồi được như thế, bởi vậy mình ngồi được nửa tiếng, 1 tiếng thì chưa có thấm thía gì đâu - chỉ là một hạt cát so với sa mạc thôi. Hoặc là khi mình ngồi nhiếp tâm, tâm mình được thanh tịnh lặng lẽ, nó xuất hiện được hỷ lạc - một niềm vui trong lòng mình thì phải dè dặt. Cái niềm vui đó nó sẽ phá mất cái công đức của mình. Hoặc là mình khởi niềm tự hào: "À, hôm nay mình đã tu tiến được, tâm mình được thanh tịnh; chắc con đường đạo không còn lâu đâu; dễ ít bữa nữa mình đắc đạo ...". Người mà khởi nghĩ điều đó thì Phước mất sạch. Chỉ khởi nghĩ thôi, chưa cần nghe là Phước đã biến mất hết rồi, bắt đầu ngày mai tâm sẽ động trở lại. Cho nên trong việc tu hành, mình có được chút nào thì mình phải nhớ là con đường còn rất là xa mà mình phải đau đáu lo là nó bị lui sụt. Bởi vì trong việc tu, nó luôn luôn rất dễ bị lui, hôm nay mình tâm yên nhưng ngày mai tâm có khi lại bị loạn; hôm nay mình định nhưng ngày mai có khi mình lại động trở lại. Hôm nay được một chút định thì phải nhắc trong lòng mình "chút này chưa có đáng gì so với chư Phật, so với chư vị Bồ Tát, A-la-hán; còn phải cố gắng rất nhiều, đường đi còn rất xa, không giám mừng - mà phải lo để mà tu tiếp". Đó là diệt cái tâm tự mãn mỗi khi mình có một chút gì tiến bộ, hoặc được một chút tinh tấn; phải kín đáo mà cố gắng nhiều hơn, không giám ỷ y, không giám tự mãn. Đó chính là tâm nguyện đúng để đường đạo của mình được trơn tru, được thành tựu.

Một tâm nguyện nữa là "có ý muốn trợ duyên cho huynh đệ tu mau có kết quả". Mình ở trong chúng, mình tu mọi người cũng tu, mình lúc nào cũng phải đặt ra câu hỏi trong lòng mình là "mình làm gì được để huynh đệ tu mau được kết quả" - cần nhớ điều đó. Phải luôn luôn đặt câu hỏi đó trong lòng mình. Mình sống ở đây, mình đã làm được cái gì giúp cho huynh đệ tu mau có kết quả, nhớ câu hỏi đó thường phải hỏi ở trong lòng mình. Nhờ hỏi như vậy mà mình biết trợ duyên, biết giúp đỡ huynh đệ mình trong việc tu hành, khi thấy người ta ngồi Thiền, mình rón rén nhẹ nhàng giữ gìn không làm động, khi thấy huynh đệ mình bị ốm mình ráng lo thuốc thang, lo cháo lo sữa để cho huynh đệ mình mau khỏe mà được ngồi Thiền, tiến tu. Hoặc là khi thấy huynh đệ mình lơ đễnh thì mình khéo léo nhắc nhở cho huynh đệ mình cùng tu mà mau có kết quả. Lúc nào mình cũng nhớ là ráng làm sao trợ duyên, giúp đỡ để huynh đệ mình tu mau có kết quả. Tâm đó là cái tâm quan trọng nhất để làm cho mình có Phước, có Đức. Có nhiều người đến chùa nói rằng là để công quả thì họ hiểu công quả là gì? là vác cuốc ra đồng là, lấy búa ra chẻ củi v.v. nhưng thầy chưa gọi đó là công quả - những cái đó thầy có thể muốn người khác làm được. Cái công quả thực sự mà thầy muốn nói trong cái tu viện của mình là làm cái gì để giúp huynh đệ tu. Cho nên, một người mà đến đây công quả thì ngoài việc vườn tược, đồng áng, nấu ăn, bếp núc v.v. nhưng phải nghĩ những cái đó nó sẽ không bao giờ là công quả nếu mình thiếu ý nghĩ là những việc làm đó giúp cho huynh đệ mình tiến tu. Nếu mình không có ý nghĩ đó, mà chỉ nghĩ công quả là lao động cho chùa, có Phước thì thầy chưa gọi điều đó là công quả. Chúng ta cần phải nhớ điều này. Chỉ khi nào trong ý nghĩ của mình, mình nghĩ rằng mình làm tất cả những điều này là để cho huynh đệ mình tiến tu, mau có kết quả - thì thầy gọi người này là làm công quả chân chính, người này sẽ có Phước. Phước của cái ý nghĩ đó làm cho người đó sau này tu rất là nhanh có kết quả mà tu được thuận tiện, mọi việc đều được dễ dàng, đời sống được thoải mái. Nhờ cái ý nghĩ đó mà mình không lười biếng, công quả rất siêng năng, mà mình có Phước, công quả của mình đều nhắm cho huynh đệ của mình tiến tu, nên cái Đức, cái Phước rất lớn.


(còn tiếp ...)

---
Lưu ý

Thursday, May 2, 2013

Khí công nguyên pháp - Chùa Phật Quang


Theo dõi bài thuyết pháp: Youtube - Lưu trữ

Trong các phương pháp tập luyện khí công có một phương pháp cực kỳ căn bản, làm tích tụ lực ở đan điền rất vững chắc; làm nền tảng cho mọi phương pháp luyện tập khí công khác. Đó là Khí công nguyên pháp.

Khí công nguyên pháp này xuất phát hoàn toàn tại Việt Nam, là sản phẩm trí tuệ của người Việt Nam, vì thế người Việt Nam nên rủ nhau tập luyện Khí công nguyên pháp này thường xuyên để kiện toàn sức khỏe, tăng cười sức mạnh của thần kinh não, tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, chữa trị các bệnh mãn tính. Khí công nguyên pháp còn có công năng diệt trừ ham muốn tình dục vô cớ, giúp cho tu sĩ có thể giữ được cấm giới, giúp cho những chiến sĩ xa nhà có thể thanh thản không bị đòi hỏi sinh lý bức xúc.

Người tập Khí công nguyên pháp thường xuyên sẽ trở nên thông minh hơn, tinh thần tập trung hơn, trí nhớ tốt hơn.

Khí công nguyên pháp cũng giúp cân bằng huyết áp, giúp điều chỉnh lượng đường huyết trong máu. Nhiều người nhờ tập khí công nguyên pháp mà hết bị đường huyết vượt ngưỡng. Có người tập Khí công nguyên pháp mà phục hồi lại được bộ não sau tai biến.

Điều kiện để tập Khí công nguyên pháp là có đôi chân lành lặn bình thường vì tập bằng chân là chính. Chúng ta nên tập vào buổi sáng sớm khi chưa ăn gì và đã uống 1 ly nước đầy. Buổi tối tập trước khi ngủ sẽ giúp ngủ ngon. Tập vào giữa buổi làm việc sẽ giúp giải tỏa căng thẳng.

Khi bắt đầu tập, ta đứng hai chân rộng hơn vai một chút. Hai tay chống vào hông, toàn thân buông lỏng. Quan trọng nhất là giữ lưng luôn luôn thẳng đứng so với mặt đất. Mắt nhìn thẳng nhưng không chú ý ngoại cảnh, bời vì tâm phải lo quan sát bản thân.

Động tác 1: Ta hạ tấn xuống theo như trung bình tấn. Lưng giữ tuyệt đối thẳng đứng. Hít vào trong khi đang hạ tấn xuống. Nếu ai có thể hạ tấn đến khi hai mông gần sát hai gót chân thì rất tốt. Nếu chưa quen thì hạ lưng chừng cũng được. Nhưng cuối cùng cũng phải hạ tấn sao cho hai mông gần sát hai gót.

Động tác 2: Ta đứng lên và nín thở lại, giữ lưng tuyệt đối thẳng đứng. Đứng thẳng hết hai chân như ban đầu.

Động tác 3: Ta thở ra và đếm số. Theo dõi xem tim có bớt đập hay không. Khi tim đã bình thường thì tập lại theo chu kỳ như trước.

Chúng ta cần chú ý đếm số cẩn thận chính xác mỗi khi xong một chu kỳ, vì khi tập như thế bộ não được củng cố rất nhiều và ngay lúc đó chúng ta tập trung nhớ số chính xác thì sẽ phát huy hiệu quả luyện tập bộ não rất cao.

Mỗi buổi tập như thế nên tập ít nhất 50 lần. Người tập quen có thể tập đến 500-600 lần trong một buổi tập. Điều khó ban đầu là làm sao giữ lưng thẳng khi hạ xuống và đứng lên. Vì nếu lưng bị cong thì nội lực chay ngược lên làm căng thẳng não bộ. Chỉ khi lưng được giữ thật thẳng thì nội lực sẽ được tính tụ tại đan điền và tạo nên nhiều điều kỳ diệu.

Những ngày đầu mới tập thì chúng ta sẽ bị đau mỏi hai chân. Nhưng không sao, tập tiếp thì sẽ hết. Khi nội lực tích tụ ở đan điền được rồi thì hệ thống cột sống lưng, gân, dây chằng hai bên cột sống được vững chắc, giúp ngăn ngừa và chữa trị các bệnh về đốt sống lưng như đau lưng, suy thận v.v.

Nội lực tích tụ ở đan điền cũng giúp con người sống thanh thản, không bị đòi hỏi tình dục vô cớ, cũng là một sự giải phóng tâm sinh lý rất đáng kể. Người có tu Thiền thì rất cần nội lực tích tụ ở đan điền vì giúp tập trung tinh thần tốt hơn trong việc kiểm soát vọng tưởng.

Khí công nguyên pháp cũng giúp rèn luyện ý chí vì thế tập đơn điệu, đều đều, gây mỏi chân; nhưng ai tập quen rồi lại thấy ghiền vì nó đem lại sự bình an kỳ lạ khi đang tập và ảnh hưởng tốt còn kéo dài sau khi tập xong.

Chúng ta nên tổ chức tập thành nhóm để khuyến khích lẫn nhau hơn là tập một mình.

Từ khí công nguyên pháp này chúng ta có thể phát triển tiếp thành cách tập nội lực khác để tăng sức mạnh trong chiến đấu võ thuật hoặc trong công việc cũng rất thuận lợi. Chúng ta sẽ thấy bên cạnh sự minh mẫn còn có sự dẻo dai: đòn tay đánh ra chắc hơn, bước tấn vững vàng hơn, dáng đi êm nhẹ nhưng mạnh mẽ hơn.

Và bây giờ xin bắt đầu đứng lên, dang hai chân rộng hơn vai một chút, chống hai tay lên hông. Bắt đầu hít vào để hạ tấn thấp xuống và giữ thẳng lưng, rồi nín thở để đứng lên. Đứng yên để thở ra đếm số 1. Cứ tập như vậy cho đến 50 lần trong 1 ngày là ít nhất.

Xin kính chúc quý vị thành công và gặt hái được kết quả tốt đẹp cho cả tâm hồn lẫn cơ thể!





---
Lưu ý