Tuesday, February 26, 2013

Trái tim hạnh phúc

Nghe toàn bộ bài thuyết giảng

Nhắc lại một số điểm về Thiền:
https://www.youtube.com/watch?v=YPoCQujs6oY&t=37m42s
Đầu tiên khi bắt đầu tập Thiền thì phải Điều thân (là ngồi đúng tư thế Kiết Già, giữ thân mềm mại bất động, luôn luôn biết rõ toàn thân (cả các bắp thịt nhỏ), thêm tác ý "thân này vô thường". Bước tiếp theo là Điều tâm, nếu thực hành kỹ sẽ thấy điều thân và điều tâm là một, tức là vẫn chỉ là ngồi điều thân, nhưng khi điều thân sáng lên thì tự nhiên tâm mình bị biết, ý tưởng khởi lên là biết. Chứ không phải ngắt điều thân rồi chuyển sang điều tâm.
Khi đã điều thân, điều tâm thì bắt đầu cho phép hơi thở bụng.
Cho tới khi đắc được Thiền định, sơ thiền, nhị thiền thì vẫn là điều thân.

  • An lạc: cái lâng lâng tự hào, an lạc, nhưng lại là do tự hào phát ra (thấy mình tu có kết quả), sung sướng ngây ngất - thiên về phần trên đầu. Để nó tăng dần thì sẽ sinh ngã mạn, gây tiêu tan mọi sự tu tập.
  • Hỉ lạc: khi tâm an định, cái an lạc xuất hiện khắp nơi thân, gần phía dưới, mình thì lại bình an, tâm rỗng rang mà lại không có tự hào.


Tâm "bình thản" khác "thờ ơ", ta tưởng là ta bình thản, nhưng lại hóa ra "thờ ơ". Người sống trong đạo tràng với trái tim quyết tâm bừng cháy, nhưng lại bình thản, không có hấp tấp, nông nổi.




Monday, February 25, 2013

Khẩu quyết tu Thiền

Nghe toàn bộ clip

(Chú ý: Dưới đây chỉ là phần tóm lược các nội dung chính trong bài giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang. Độc giả của blog này nên tự nghe toàn bộ clip.)

KHẨU QUYẾT TU THIỀN

******

Thiền là điều phục tâm
Nhưng muốn điều phục tâm
Phải điều hòa hơi thở
Muốn điều hòa hơi thở
Phải điều hòa được thân
Cộng với Phước vô ngần
***
Vì vậy bước ban đầu
Trồng công đức thật sâu
Sống hiền lành chân chính
Theo thánh đạo nhiệm màu
***
Vào Thiền ngồi Kiết già
Đúng tư thế Phật Đà
Giữ toàn thân mềm mại
Và bất động sâu xa
***
Khi vọng tưởng khởi lên
Khiến hiện tại bị quên
Lúc đó nhờ công đức 
Giúp ta quay lại liền
***
Rồi trở lại điều thân
Xem tất cả tay chân
Có chỗ nào gồng cứng
Hay nhúc nhích gì chăng
***
Rồi biết thân vô thường
Ngày nào sẽ lên đường
Rã tan thành cát bụi
Xương thành bột bay luôn
***
Cứ kiên nhẫn điều thân
Không cần phải đi nhanh
Điều thân thật thuần thục
Đường đạo đã đến gần
***
Rồi nhìn thấy trong thân
Có hơi thở vào ra
Để giữ gìn mạng sống
Không một phút lìa xa
***
Có hai điều cực đoan
Khiến hơi thở bất toàn
Một là quên hơi thở
Hai là thở rộn ràng
***
Quên hơi thở, quên tu
Tâm chình đắm mịt mờ
Vì vậy phải gắng nhớ
Từng hơi thở nhiệm màu
***
Hơi thở vào biết vào
Hơi thở ra biết ra
Không cố gắng điều khiển
Theo ý muốn của ta
***
Có lúc hơi thở nhiều
Có lúc chẳng bao nhiêu
Nhưng chỉ cần biết rõ
Chẳng cần thêm một điều
***
Hơi thở là của thân
Khi biết rõ toàn thân
Là thấy luôn hơi thở
Chẳng cần phải phân vân
***
Nhớ thật rõ một điều
Dù hơi thở thế nào
Cũng không được điều khiển
Chỉ cần biết mà thôi
***
Biết thật rõ hơi vào
Biết thật rõ hơi ra
Biết toàn thân phía dưới
Tỉnh giác và an hòa
***
Vẫn giữ thân vững vàng
Bất động và nhẹ nhàng
Và biết từng hơi thở
Tâm dừng bước lang thang
***
Nhiều trạng thái của tâm
Vi diệu và lạ lùng
Thay phiên nhau xuất hiện
Sẽ khiến ta sai lầm
***
Thấy tâm thức rỗng không
Lòng thanh thoát vô cùng
Ta sẽ tưởng mình đắc
Một Quả Thánh nào chăng
***
Thật ra ta vẫn còn
Đứng ngoài cửa mỏi mòn
Chưa vào được cánh cổng
Của ngôi đền Chí Tôn
***
Trong ngôi đền thẳm sâu
Có chiếc ghế nhiệm màu
Tên gọi là Vô Ngã
Chờ đợi ta đã lâu

******
***

PHẦN CHÚ GIẢI CỦA THƯỢNG TỌA THÍCH CHÂN QUANG:


Vì vậy bước ban đầu
Trồng công đức thật sâu
Sống hiền lành chân chính
Theo thánh đạo nhiệm màu

Thiền là điều phục tâm. Nhưng muốn điều phục tâm thì phải điều hòa hơi thở. Muốn điều hòa hơi thở thì phải điều hòa được thân cộng Phước vô ngần. Căn bản của Thiền có 2 điều: Phước và điều thân. Phước có được do ta có đời sống thánh thiện, hiền lành, cao cả, hi sinh, dấn thân, chịu khổ.



Vào Thiền ngồi Kiết già
Đúng tư thế Phật Đà
Giữ toàn thân mềm mại
Và bất động sâu xa

Có người thắc mắc là Thiền cốt để thư giãn tâm mà tại sao phải gò bó với thân như thế. Đúng như vậy, nếu muốn giải phóng tâm thì phải gò bó cái tâm lại trước. Giống như một người muốn đạt được Phước rất lớn thì trong cuộc đời phải gò bó chính mình chứ không thể buông lung, làm tầm bậy sống tầm bậy. Chính những người gò bó mình trong đạo lý, trong nề nếp thì người đó sau này có Phước lớn - tung bay tự tại. Mười phương ba đời chư Phật đều ngồi như thế, bởi vậy ta đừng sửa, đừng chế lại, bởi ta không hay hơn Phật. Sau khi ngồi đúng thế rồi thì phải nhớ giữ thân mềm mại bất động. Cái đơn giản "giữ thân mềm mại bất động" này có khi tu 3 tháng chưa xong. Bởi vì thần kinh của ta loạn động, bộ não của ta rất loạn. Những suy nghĩ, những loạn động ở não luôn truyền tín hiệu xuống cơ thể, nó kích động mô này, kích động bắp kia, làm cho cái gân nọ gồng lên. Và vì vậy để cho bộ não không phóng xung động xuống thân nữa thì ta phải kiểm soát thân, chứ không kiểm soát tâm. Đây là điều lạ, bởi với việc kiểm soát thân thì ta lại kiểm soát được xung động do não truyền xuống.

Suốt quả quá trình dạy Thiền mà đức Phật chỉ nói thân, còn tâm thì lại nói sau. Nhiều người nói đạo Phật sao lại thấp, nhưng không ngờ chính cái thân mới là chỗ để chúng ta nắm được cái tâm. Cái thân chúng ta muốn gồng cứng, muốn nhúc nhích đều là do xung động từ trên não bộ truyền xuống. Bởi vậy khi ta lúc nào cũng chú ý toàn thân mềm mại bất động thì dần dần chúng ta khống chế được cái não bộ của mình.



Khi vọng tưởng khởi lên
Khiến hiện tại bị quên
Lúc đó nhờ công đức 
Giúp ta quay lại liền

Khi tập như vậy thì bị vọng tưởng khởi lên. Thầy dạy mình là ngồi bất động mềm mại, nhưng mình ráng giữ một chút rồi quên, vọng tưởng khởi lên làm mình nhớ chuyện này chuyện kia, mình quên mất mình đang ngồi ở đây, mình quên mất là mình phải giữ thân mềm mại bất động (bắt đầu mình nhớ chuyện bạn bè, chuyện làm ăn, chuyện năm trước, v.v.) và khi mình quên, vọng tưởng chạy loạn thì thân mình nhúc nhích, khó chịu và chỉ muốn bung ra thôi, lúc đó ai cho mình xả Thiền thì mình cám ơn vô cùng (cái ý muốn xả Thiền nó khởi động lên mạnh liền). Do cái vọng tưởng khởi lên mà ta quên mất hiện tại, quên mất cái ta đang ngồi (là thất niệm - mất đi chánh niệm). Cái này gọi là Nghiệp, ở chỗ này không ai tài hơn ai hết. Lúc này không phải là vì thông minh mà giữ được tâm, không phải vì tiền nhiều mà nhiếp được tâm, không phải vì khỏe mạnh mà ngồi nhiếp được tâm. Đúng lúc vọng tưởng đang dắt ta đình thì trong tâm khởi lên lời nhắc "quay lại" làm mình quay lại với giây phút hiện tại làm mình đang giữ cái thân mình mềm mại bất động. Cái ý niệm từ đâu trong xâu xa khởi lên làm mình nhớ là mình đang tu là do Phước mà có. Nếu ta không có Phước thì ý niệm này không có. Bởi vậy ta phải sống rất là chân chính, hiền lành, thánh thiện để ta được cái Phước đó. Chính cái Phước hình thành mới nhắc ta rằng ta đang tu, chứ không phải đang chơi. Bởi vậy ta cần làm theo lời Phật dạy, quyết tâm làm đúng, tránh điều sai từng li từng tí, cẩn thận từng chút, từng chút. Ví dụ ta có một cái thích, nhưng thấy rằng cái thích đó không có lợi cho đời cho đạo, cho người cho ta thì dẹp cái thích liền. Bởi vậy người tu Thiền mà không bồi công đức cho dày thì không bao giờ thành công. Không phải do ta tinh tấn ngồi nhiều năm rồi ta sẽ được, công đức này là do đời sống đúng.

Cứ kiểm soát thân thôi, kiểm soát tới lui tới lui như vậy là ta đang tạo cái nền của Thiền, và không cần gì cao siêu. Chính là nơi cái thân mà ta nhọc nhằn nuôi dưỡng nó, không ngờ nó cũng là công cụ để ta đi vào nhiếp tâm, vào định, vào tu hành giải thoát chứ không có gì khác hết (điều này rất là lạ). Cái mà khi ta mê muội, ta tôn sùng nó, khi ta biết đạo ta chán ngán nó thì cũng là cái công cụ ban đầu để ta bước vào đạo, vào tu Thiền luôn.

Chỗ xương thành bột bay luôn: Phật bắt ta phải hiểu sự vô thường của cái thân đến chỗ cuối cùng của nó. Nếu nói thân này là vô thường thì cái chấp thân vẫn còn nguyên. Nhưng nếu quán đến mức hiểu được rằng thân xác này rồi sẽ có lúc tan rã, mục nát thối rữa xương cốt cũng tan luôn thì cái chấp thân mới nhúc nhích và bị đánh tan. Phật dạy kỹ lưỡng từng chút như vậy là để nhổ bật cái gốc chấp thân của ta lên. Cái bản ngã của ta là do chấp thân trước, cho nên nhổ được cái chấp thân lên là ta đã nhẹ được rất nhiều về cái bản ngã. Lúc này người này người kia chửi mắng mình là mình bớt giận rồi, không còn thấy quan trọng nữa. Điều này rất là hay nên phải nhớ như vậy [thân vô thường tới mức xương tan luôn].

Cái giai đoạn điều thân này (tức giai đoạn ta ngồi cho đúng tư thế Kiết Già, giữ thân mềm mại bất động, rồi ta thấy thân này vô thường tới mức xương tan luôn) ta nên ngồi thật lâu, đừng ai vội vã bỏ giai đoạn này. Nếu vội mà bỏ giai đoạn này thì việc tu của mình sau này mất căn bản. Sau thời gian như vậy rồi có khi cả năm trời, rồi mới bắt đầu đi vào hơi thở, nhưng trong suốt thời gian đó vẫn phải sống cho tốt, vẫn phải làm Phước, chứ không phải hễ vào Thiền là bỏ làm Phước. Cần làm Phước suốt đời, hết kiếp này đến kiếp kia; và tu Thiền cũng hết kiếp này đến kiếp kia.



Rồi nhìn thấy trong thân
Có hơi thở vào ra
Để giữ gìn mạng sống
Không một phút lìa xa

Bây giờ mới bắt đầu vào hơi thở: Dựa vào cái quán toàn thân thì ta mới thấy hơi thở, bởi vì trong cái thân này có hơi thở nữa. Cái thân mình nó có chức năng là tự động thở, ngay cả khi không cần để ý đến thì nó vẫn tự động thở. Nhưng khi mà ta bắt đầu để ý đến hơi thở, thì tự nhiên hơi thở mạnh lên (trong khi đó nếu mình làm gì không để ý thì hơi thở nhẹ). Thầy dùng "thở rộn ràng" là do Thầy cố ý :D chứ thực ra là thở cố ý. Từ đây là chỗ bắt đầu đi vào sâu, cần mọi người lắng tâm  một chút. Khi ngồi Thiền mà quên hơi thở là khi ta đang bị vọng tưởng, đây là một cái sai. Cái sai thứ hai là ta không quên hơi thở nhưng lại cố ý thở. Cố ý thở tức là mình thở dài thế này, thở mạnh thế kia, thở êm như thế nọ. Ráng thở cho êm / cho dài / cho sâu cũng là sai. Phật dạy thế này: "Thở vào ta biết hơi thở vào, thở ra ta biết hơi thở ra, Hơi thở vào dài ta biết hơi thở vào dài, Hơi thở vào ngắn ta biết hơi thở vào ngắnắn. Hơi thở ra dài ta biết hơi thở ra dài, hơi thở ra ngắn ta biết hơi thở ra ngắn. Phật không hề yêu cầu mình điều khiển hơi thở của mình cho dài, cho êm, cho nhẹ. Chỉ biết mà thôi, đây là trung đạo (không biết là sai, biết mà cố ý thở theo ý mình cũng là sai). Biết mà không can thiệp chính là yếu chỉ của Trung đạo trong Đạo Phật. Cái cố ý thở luôn khởi lên, cái bỏ này rất khó khăn. Khi đó lập tức ta biết toàn thân cho rõ (giữ thân mềm mại bất động). Điều này dễ hiểu nhưng khó thực hành. Nắm được yếu chỉ như trên thì tâm ta lắng dần lắng dần.

Giai đoạn đầu ta chưa thấy rõ hơi thở vì ta đang bận giữ thân mềm mại bất động, và thấy thân vô thường, mất cả năm như vậy. Đến khi mà tâm yên lắng rồi, nhờ công đức ta lúc nào cũng nhớ toàn thân như thế, bắt đầu ta thấy hơi thở, ở nơi thân này nó thở ra thở vào (vì hơi thở là của thân), nên nếu ta cứ hễ quên cái gì thì ta cứ nhớ lại biết toàn thân rồi ta sẽ nhớ lại hơi thở. Mà khi ta muốn điều khiển hơi thở thì ta cũng chỉ cần nhớ toàn thân thì tự nhiên ta không điều khiển nữa. Bởi vậy, "biết rõ toàn thân" là chỗ dựa của ta.

Biết toàn thân phía dưới, bởi khi ta biết toàn thân thì ta phải biết từ bụng xuống tới đôi chân của ta luôn, nhờ vậy lực chạy xuống, lực lắng xuống dưới làm bộ não ta thanh thản. Còn người nào tu Thiền mà lực chạy lên trên đầu thì sau này bộ não bị hư. Nên người nào tu Thiền mà để tâm ngay chân mày, hay ở đỉnh đầu đều làm cho lâu ngày lực chạy lên trên đầu và phá bộ não và người đó bị "tửng tửng" về sau. Lực chạy xuống thì bộ não rỗng ra, ta sẽ sáng suốt.



Vẫn giữ thân vững vàng
Bất động và nhẹ nhàng
Và biết từng hơi thở
Tâm dừng bước lang thang
Tới chỗ này ta sẽ nhập định được từ từ, chưa vào được sơ Thiền, nhưng dù sao cũng thấy kết quả. Sau bao ngày ta tu tập vất vả thì đến ngày mà ta vừa giữ được thân vững vàng, vừa biết được toàn thân, biết rõ từng hơi thở ra vào, biết mà không điều khiển, lúc đó tâm bắt đầu dừng lại. Các kết quả ban đầu của sự tu Thiền sẽ xuất hiện vào giai đoạn này. Ta sẽ thấy rất là hạnh phúc, rất là an lạc. Tuy nhiên, khi tâm an lạc rồi thì vô số những trạng thái lạ bắt đầu xuất hiện, làm ta mờ mịt nếu ta không được người có kinh nghiệm hướng dẫn thì ta sẽ đi lạc. Nhiều trạng thái của tâm, vi diệu và lạ lùng thay phiên nhau xuất hiện sẽ khiến ta hiểu lầm. Ta thấy nhiều ảo ảnh, nhiều ảo giác, nhiều sự sảng khoái, làm ta cứ tưởng mình chứng cái gì đó nhưng lúc đó phải hỏi thầy của mình. Người nào không thấy ảo ảnh mà chỉ thấy tâm thức rỗng không là có Phước nhất nhưng mà vẫn bị lầm. Khi thấy tâm thức rỗng không, lòng nhẹ nhàng vô cùng ta sẽ tưởng mình đắc một Quả Thánh nào chăng; nhưng thực ra chưa hề! Nói ra thì không dám nói vì sợ mình khoe khoang, nhưng tự trong lòng mình tự hào tưởng là mình chứng rồi. Tất cả những trạng thái đó là vẫn chưa vào đến cổng của ngôi đền Chí Tôn. "Tầm tứ" vẫn còn (nhưng thầy sẽ giải thích về khái niệm này sau vào một thời điểm khác). Nhưng mới chỉ đến thế thôi thì tính tình mình đã hiền lành từ từ, những tính xấu, tham lam trước đây dần mất.


Trong ngôi đền thẳm sâu
Có chiếc ghế nhiệm màu
Tên gọi là Vô Ngã
Chờ đợi ta đã lâu
Bốn câu này giúp ta xác định rõ mục tiêu tu tập của ta là đạt được "Vô Ngã"

Ta cần học thuộc các câu khẩu quyết này để khi đụng trường hợp nào thì câu khẩu quyết hiện lên nhắc ta đi cho đúng. Tương tự luyện bí kíp võ công phải có khẩu quyết thuộc lòng, thì khi ta tu Thiền cũng vậy, cũng phải thuộc khẩu quyết. Bởi vậy, mong rằng mọi người từ đây có khẩu quyết này rồi, thì ta tinh tấn tu hành, tu không có sai nữa, và bắt đầu dần dần ta đạt được những kết quả tốt đẹp trong Thiền định để ta bước sang một đời sống mới, trở thành một con người khác: ta thương yêu con người nhiều hơn, kính trọng chư Phật nhiều hơn, dẫn thân hơn, hi sinh hơn nhưng cũng trầm lặng hơn, thanh thản hơn.


Nội dung bài Khẩu quyết được đối chiếu với http://www.nguyenmanhhung.com/Phat-Phap-Ngay-Nay/Keywords-Of-Zen-Khau-Quyet-Tu-Thien/31-3202/cbo.vn





Sunday, February 24, 2013

Đứng nhìn hạnh phúc

Nghe toàn bộ clip

(Chú ý: Dưới đây chỉ là phần tóm lược các nội dung chính trong bài giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang. Độc giả của blog này nên tự nghe toàn bộ clip.)


Phần giải đáp

Khi không có bàn thờ thì niệm Phật trong tâm với niềm tôn kính, có thể hướng về bầu trời tưởng tượng có Phật ở trên, lòng thành là Phật chứng liền.

Ăn chay - ăn mặn: Trong những tình huống buộc lòng thì ăn thức ăn động vật cũng không sao, miễn là sau đó làm việc tốt, chứ nếu ăn xong làm việc bậy thì bị đọa. Nhưng cũng cần phân biệt với sự thử thách, xem xem nếu mình quyết không ăn mặn thì có sao không.

Muốn siêu thoát thì phải do công hạnh tu hành, xương cốt chỉ là một chút ràng buộc với linh hồn, đa phần con người bị ràng buộc. Rải cốt hay không, muốn người mất được siêu thoát thì mình làm công đức và hồi hướng cho người đó.

Hơi nóng mà chìm chìm ở dưới thì tốt thì tốt, còn nếu bốc lên đầu thì không tốt.



Saturday, February 23, 2013

Ý chí người tu Thiền

Nghe toàn bộ clip

(Chú ý: Dưới đây chỉ là phần tóm lược các nội dung chính trong bài giảng của Thượng tọa Thích Chân Quang. Độc giả của blog này nên tự nghe toàn bộ clip.)


Ý chí của Thiền khác với ý chí trong các hoạt động khác. Cái cố gắng trong Thiền không làm tăng bản ngã. Ý chí trong Thiền không làm bốc bản ngã (trong khi bản ngã tăng lên cùng với ý chí trong các hoạt động khác). Ý chí trong Thiền hư vô nhưng là nỗ lực phi thường và lại có khả năng cảm hóa được người khác.

Làm thế nào để có ý chí trong Thiền:
Chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định

5 chánh trước là nền để xây dựng nên chánh tinh tấn. Các công đức, phước ta đạt được nhưng ta không hưởng quả báo, mà dùng phúc đó để làm phước tiếp.

Tu Thiền đừng bao giờ tính tới thời gian. Tính tới thời gian là dễ rơi vào tà kiến. Không nên ham mau, nhưng cũng không nên làm từ từ.

Thiền cũng gây phản hồi lại 3 nghiệp Thân-Khẩu-Ý: Suy nghĩ điều tốt, nói điều lành, làm điều phúc.

Người tu Thiền lâu năm là tính phải đổi: hết nóng tính, hết lười biếng. Bản thân người tu Thiền không biết, nhưng xung quanh nhận thấy người này nhẹ nhàng, nhân hậu hơn (mỉm cười nhận sự thua thiệt về mình để người khác được lợi)

Có 2 loại chánh niệm: trong lúc ngồi Thiền và trong đời sống

Bài kệ vào Thiền
*****
Xin Phật độ cho con
Luôn nhớ và hiểu rằng
Thân này không phải ta
Tâm này không phải ta
*
Chẳng có gì là ta
Trong từng hơi thở vào
Trong từng hơi thở ra
Trọn niềm tôn kính Phật

Khi theo dõi hơi thở vào/ra thì đó chính là kỹ thuật phù hợp với sinh lý não (khi làm như vậy thì tâm ta yên lắng)

Chánh niệm trong đời sống
Bài kệ xả Thiền
*****

TAM BẢO GIA HỘ CHO CON
LÚC THỨC CŨNG NHƯ LÚC NGŨ
BAN NGÀY CŨNG NHƯ BAN ĐÊM
LUÔN NHỚ THÂN NÀY VÔ THƯỜNG.
*
KHI ĐI HOẶC LÀ KHI ĐỨNG
KHI NGỒI HOẶC LÀ KHI NẰM
LÚC LÀM VIỆC HAY NGHĨ NGƠI
LUÔN NHỚ THÂN NÀY VÔ THƯỜNG.
*
KHI NGHE CŨNG NHƯ KHI NÓI
ĐÔNG NGƯỜI HAY Ở MỘT MÌNH   
XEM PHIM HAY LÀ ĐỌC SÁCH
LUÔN NHỚ THÂN NÀY VÔ THƯỜNG.
*
LÚC ĂN CƠM HAY UỐNG NƯỚC
KHI TẮM RỬA HAY VỆ SINH
ĐẮP Y HAY MANG GIẦY DÉP
LUÔN NHỚ THÂN NÀY VÔ THƯỜNG.
*
NHỮNG KHI TÂM CON TĨNH GIÁC
CÀNG NHỚ TÂM NÀY VÔ THƯỜNG
NGUYỆN CHO CHÚNG SINH KHẮP CHỐN
LUÔN BIẾT THÂN NÀY VÔ THƯỜNG
*
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT (3 LẦN) 

(copy từ nguồn http://yume.vn/long_vanphi/article/ke-xa-thien-tung-kinh.35D83BC5.html)

Thấy các hành động một cách rõ ràng.

Khi có chánh niệm sẽ có cái nhìn khác về điều mình muốn. Dùng cái "muốn" của ta để đo trình độ tu tập.

Ý chí tạo bởi Phước khác với ý chí tạo bởi bản ngã. Phước tạo ý chí thì kín đáo, không khoe khoang. Trong khi đó, bản ngã tạo ý chí thì sẽ có phần khoe khoang.

Chứng của tu Thiền: càng đúng thì càng thấy mình không là gì cả, càng tôn trọng mọi người.

"Như lý tác ý" tạo thành ý chí: Một mệnh lệnh (ngắn gọn) mà mình tự ra cho mình.

Tránh:
  • Ép tâm vào định (Giằng ép não làm mất ngủ, căng thẳng, v.v.)
  • Vạch ra chỉ tiêu đạt được kết quả theo một thời gian nào đó (chỉ nên tinh tấn trong từng giờ từng phút)
  • Bị người xung quanh nhận ra
  • Quyết liệt tu để chứng cho mau

Để ý chí tự nhiên xuất hiện, ta phải trau dồi 3 điều căn bản:
  • Đạo đức (nội tâm tốt đẹp)
  • Công đức (đóng góp làm tốt cho đời, cho đạo)
  • Khí công (sử dụng hơi thở, tạo tiềm lực cho cơ thể, khi về già dù cơ bắp suy nhưng vẫn còn lực)
Khi có đủ 3 điều trên thì ý chí trong tu Thiền đến một cách tự nhiên.

Đến khi bắt đầu có kết quả, tâm sáng tỏ, rỗng rang, ít vọng tưởng hơn; thì chỉ an trú thôi mà đi tiếp. Nhớ rằng ...

Những khi tâm con tỉnh giác
Càng nhớ thân này vô thường

... để mà tâm đừng rời khỏi thân.

Khi tu Thiền có kết quả rồi thì có nhiều thứ hết ham. Khi tu tiến thì không còn ham ngủ nữa (đến giấc ngủ là tiếc), nhưng nếu cố không ngủ thì lại là một cực đoan. Không ham ngủ nhưng không ráng thức.