Tuesday, April 23, 2013

Xây ngôi nhà cho đời sau


Theo dõi bài thuyết pháp: Youtube - Lưu trữ

Bối cảnh: Chùa Phước Sơn, Vĩnh Long, nhân lễ đặt đá.

Câu chuyện ở nước ngoài:
Có một ông thợ mộc làm cho một công ty xây dựng. Ông làm việc cần mẫn, siêng năng, tay nghề ổn định. Khi tuổi cao mệt mỏi thì ông xin nghỉ. Ông gặp ông chủ và xin nghỉ. Ông chủ cũng rất là thương ông thợ mộc này; không dám giữ nhưng năn nỉ ông thợ làm nốt căn nhà cuối cùng trước khi nghỉ. Ông thợ cũng uể oải và nhận lời vì nể tình. Ông chủ bèn chấm địa điểm, cung cấp vật liệu, người phụ, bản thiết kế v.v. Sau mấy tháng thì căn nhà được hoàn thành. Ông thợ gặp người chủ, giao chìa khóa và xin nghỉ. Ông chủ mới đưa lại chìa khóa cho ông thợ mộc và nói rằng "thật ra đây là căn nhà mà tôi tặng anh, chứ không phải là đóng cho công ty của mình. Anh hãy coi đây như là sự biết ơn của tôi đối với sự phục vụ của anh suốt bao năm cho công ty". Tới đây, ông thợ mộc mới ngã ngửa ra, bởi ông đã tưởng là ông đóng nhà cho ai nên ông đóng không kỹ. Bởi vậy, thay vì vui mừng thì ông lại buồn bã bởi ông đã làm ẩu. 

Chúng ta cũng vậy, mọi người cũng đều đang đóng căn nhà mà cứ tưởng đóng cho người khác. Đây là căn nhà ta đóng cho đời sau của chính chúng ta.

Nếu ta lo cho người khác thì tức là ta lo cho chính ta (theo luật nhân quả); còn nếu ta lo cho chính ta thì ta mất hết.

Ngoài xây chùa ra, việc đóng góp xây các công trình công cộng cũng rất tốt (ví dụ: xây trường học, xây bệnh viện, v.v.)

Khi một người chết rồi thì đi đâu, ở đâu, về đâu?
- Tội lỗi quá thì bị đày vào địa ngục
- Đỡ hơn một chút thì đầu thai vào làm súc sinh
- Vong chưa đầu thai thì rất bất ổn, phải ở lùm cây. Có phước hơn thì được rước vong về chùa. Chỉ có người có Phước khi sống thì được thờ ở trong miếu. Người mà lo cho Phật pháp, lo cho mọi người thì khi chết sẽ lên cõi Trời.

Hầu hết, chùa là nơi tốt đẹp, là nơi cho bá tánh tu. Phòng của vị trụ trì thì khiêm tốn nhưng chánh điện rộng, bếp rộng v.v. thì đó là cho bá tánh học hành, tu tập.

Có nhiều điều mà chúng ta làm cho đời này nhưng là quả tốt cho ta ở đời sau:
- Người lính, người chiến sĩ bảo vệ cho Tổ quốc bình yên.
- Người thầy giáo tận tụy dạy học sinh.
- Người bác sĩ, y tá, điều dưỡng trong bệnh viện
- v.v.

Chúng ta sống để làm gì? Là để phục vụ và để tu hành (chứ không phải sống để hưởng thụ).

Người nông dân, dù là trồng lúa cho mình rồi bán lấy tiền, nhưng không nên nghĩ như vậy; mà phải nghĩ là mình trồng lúa cho xã hội.
Người doanh nhân cũng nên nghĩ rằng doanh nghiệp của mình tạo công ăn việc làm cho công nhân, làm ra sản phẩm cho người khác; chứ không nên chỉ nghĩ rằng làm chỉ để lấy lãi để sống.

Trong cuộc đời này, không phải ai cũng thích xây dựng, thích phá hủy mà không sợ tội; như tên cướp, kẻ khủng bố v.v. Lý do là tại sao? Ta hỏi như vậy là để đề phòng chính tâm của ta. Bởi vì thẳm sâu trong tâm ta vẫn còn những điều xấu tiềm tàng thì chính ta sẽ trở thành người phá hoại. Có những người như vậy thì họ không tin Nhân-Quả Luân hồi. Có người tin nhưng lại quá tham lam, hoặc thẳm sâu tâm ác độc còn quá nặng - khi tâm ác khởi lên thì họ bắt chấp tội phước; có người tâm tự cao quá mạnh.

Ta muốn trở thành phàm hay thành Thánh. Người phàm thì vị kỷ chỉ biết sống cho mình, còn làm Thánh thì vị tha, biết sống cho mọi người.

Nếu trong cuộc đời này, nếu ta chưa có cơ hội làm điều tốt thì cũng đừng phá hoại điều tốt đẹp trong tâm hồn của mình và của người khác.

Quan trọng là không chỉ mình có Phước mà mình còn phải có đạo đức để ai cũng yêu quý, để rồi tiến tu vào con đường giải thoát giác ngộ.

Ta khuyên dạy ai điều gì thì tâm ta sẽ thành tựu điều đó:
- Hiền
- Từ bi yêu thương mọi người
- Tâm ta thanh tịnh, bình an
- v.v.

Ta xúi ai điều gì thì tâm hồn ta cũng sẽ trở thành như vậy.

Khi ta khuyên dạy để con người hiền thiện, yêu thương nhau thì ta có cơ hội làm Thánh. Còn nếu ta xúi con người tham ác thì ta trở thành quỷ.

Hễ có cơ hội gặp ai thì ta phải hiểu rằng đây là cơ hội để ta reo rắc điều tốt đẹp vào lòng mọi người.

Do ta vô minh nên khi thì ta làm đúng, khi thì ta làm sai. Mội khi nghe giáo lý thì ta có cảm giác là ta sẽ làm được như thầy giảng; nhưng thực sự chưa chắc mình đã làm được như vậy. Không phải lúc nào ta cũng thực hành được đạo lý. Bởi vậy, chúng ta đừng tưởng rằng những điều công đức lành là dễ làm.

Người khôn ngoan là người luôn biết quý trọng các thử thách. Có những trở ngại mà ta không ngờ được.

Nếu kiếp sau ta đầu thai trở lại thì ta muốn thế giới này như thế nào?
- Ta muốn hòa bình, không chiến tranh; thì đời nay ta cần ăn chay, kếu gọi mọi người hòa ái với nhau.
- Ta muốn lương thực đầy đủ không bị đói kém, môi trường trong lành; thì đời này ta đừng xài phung phí thức ăn, nước uống.
- Ta muốn rừng cao cây to, bóng mát; thì đời này ta phải trồng cây.
- Ta muốn thế giới không có người ác, không chiến tranh giết chóc; thì đời này ta phải tu tập Thiền định tâm linh và truyền bá sự tu tập đó cho rất nhiều người.


---
Lưu ý

Wednesday, April 17, 2013

Bài hát Tôn kính Phật


Theo dõi: Youtube - Lưu trữ - yeucahat

* * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * *

Kính lạy Đấng Vô Thường
Người là cành Hoa Sen
Nơi biển đời nhân thế
Người là nguồn thương yêu
Bao dung khắp muôn loài
Là mặt trời ban mai
Đem ánh sáng cho đời
Dựng lại niềm tin sâu
Nơi tăm tối u sầu.

Quỳ lạy Bậc Chánh Giác
Thầy của khắp trời người
Lòng từ bi bao la
Cha lành chung bốn loài
Người là một đại dương
Mà con như giọt nước
Người là ngọn cao sơn
Mà con như hạt bụi.

Con xin đảnh lễ Người
Với trọn lòng thiết tha
Quy y và tôn kính
Xin đem trọn cuộc đời
Đi theo bước chân Người

Xa lìa bờ vô minh
Tìm về nơi giác ngộ
Xin theo trái tim Người
Để trải lòng thương yêu
Bao dung khắp muôn loài

Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật (2 lần)

Lời khấn nguyện

Theo dõi Lời khấn nguyện:
- Đồng ca: Youtube - Lưu trữ
- Giọng đọc Lâm Ánh Ngọc: Youtube - Lưu trữ

* * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * *


Kính lạy mười phương Phật
Kính lạy mười phương Pháp
Kính lạy mười phương Tăng
Xin chứng giám lòng con
Với tất cả tâm thành
Dâng lên lời khấn nguyện:

* * *

Xin cho con mãi mãi
Lòng tôn kính vô biên
Hơn núi biển mênh mông
Dâng lên mười phương Phật

Xin cho con mãi mãi
Lòng thương yêu khôn cùng
Trải Thế giới tam thiên
Đến chúng sinh vô tận

Xin cho khắp muôn loài
Sống yên lành bên nhau
Không ganh ghét oán thù
Không chiến tranh giết chóc

Xin cho kẻ bất thiện
Biết tin có luân hồi
Có nghiệp báo trả vay
Để hồi đầu hướng thiện

Xin kẻ mù được sáng
Kẻ điếc lại được nghe
Kẻ nghèo được ấm no
Kẻ ốm đau bình phục

Xin cho loài cầm thú
Thoát được nghiệp ngu si
Tái sinh vào cõi người
Biết tu theo Phật pháp

Các vong linh vất vưởng
Trong cõi giới u huyền
Thoát nghiệp đói triền miên
Qui y và siêu thoát

Xin cho nơi địa ngục
Chúng sinh đang đọa đày
Khởi được tâm từ bi
Để xa lìa cảnh khổ

Cúi xin mười phương Phật
Chư Bồ Tát Thánh hiền
Đem chánh pháp thiêng liêng
Sáng soi nghìn thế giới

Cho chúng con mãi mãi
Dù sinh về nơi đâu
Đều gặp Pháp nhiệm màu
Để nương theo tu tập

Cho con biết khiêm hạ
Biết tôn trọng mọi người
Tự thấy mình nhỏ thôi
Việc tu còn kém cỏi

Cho tay con rộng mở
Biết san sẻ cúng dường
Biết giúp đỡ yêu thương
Đến những người khốn khó

Xin cho con bình thản
Trước nghịch cảnh cuộc đời
Dù bị mắng bằng lời
Hay bằng điều mưu hại

Xin tâm con sung sướng
Khi thấy người thành công
Hoặc gây tạo phước lành
Như chính con làm được

Cho con biết im lặng
Không nói lỗi của người
Chỉ lặng lẽ dùng lời
Cầu cho người hết lỗi

Xin vòng dây tham ái
Rời khỏi cuộc đời con
Để cho trái tim con
Biết yêu thương tất cả

Cúi lạy mười phương Phật
Đau khổ đã nhiều rồi
Vô lượng kiếp luân hồi
Đắng cay và mỏi mệt

Nay con dâng lời nguyện
Giải thoát quyết tìm về
Giác ngộ quyết lìa mê
Độ sinh đền ơn Phật

Xin cho con giữ vững
Được chí nguyện tu hành
Không một phút buông lơi
Không một giờ xao lãng

Xin vẹn toàn giới hạnh
Với thiền định lắng sâu
Với trí tuệ nhiệm màu
Xóa tan dần chấp ngã

Xin cho con tỉnh táo
Không kêu mạn tự hào
Dù tu tiến đến đâu
Vẫn tự tìm chỗ dở

Nguyện cho con đi mãi
Không đứng lại giữa đường
Đến tuyệt đối vô biên
Tâm đồng tâm chư Phật

Rồi trong muôn vạn nẻo
Của sinh tử luân hồi
Con mãi mãi không thôi
Độ sinh không dừng nghỉ

Cúi lạy mười Phương Phật
Xin chứng giám lòng con
Lời khấn nguyện sắc son
Dâng lên ngôi Tam bảo

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật


Monday, April 15, 2013

Cặn bã kí ức

Theo dõi bài thuyết pháp:
- Youtube: phần 1 - phần 2 - phần 3 - phần 4 - phần 5 - phần 6 - phần 7 (Toàn bộ)
- Lưu trữ: phần 1 - phần 2 - phần 3 - phần 4 - phần 5 - phần 6 - phần 7

Đây là phần bình giảng của thầy Thích Chân Quang đối với các mẩu chuyện đạo lý trong tập "Cặn bã kí ức" của bác Hai Như Sanh.




---
Lưu ý

Friday, April 12, 2013

Tranh giành cuộc sống

Theo dõi bài thuyết pháp: Youtube -- Lưu trữ

(Địa điểm: Chùa Khánh Long, Nông Cống, Thanh Hóa)

Những câu hỏi nhiều khi chúng ta thắc mắc mà không nói lên thành lời:
- Sau khi chết chúng ta đi về đâu?
- Trước khi sinh ra đây chúng ta từ đâu đến?

Có ai nghĩ rằng sau khi chết là mất hết không? Nếu có nghĩ như vậy chắc là chúng ta không bao giờ thờ bố mẹ, ông bà mình. Trái lại, mình vẫn nghĩ có một cái gì đó sau cái chết này. Mà nếu vậy, thì trước khi sinh ra ta từ đâu đến? Đây là những câu hỏi mà trong thẳm sâu tâm hồn chúng ta ai cũng ray rứt, băn khoăn. Và chính vì những ray rứt băn khoăn này, chính vì tìm câu trả lời cho những câu hỏi này mà rất nhiều đạo giáo / tôn giáo đã xuất hiện. Mỗi tôn giáo có một cách trả lời của mình, mà ta chẳng biết tôn giáo nào đúng, tôn giáo nào sai.  Lựa chọn của ta là do tùy duyên: có khi chọn tôn giáo này vì thỏa mãn câu trả lời này, có khi chọn đạo kia vì thỏa mãn câu trả lời kia. Mà thậm chí, có người không biết đâu mà theo nên thấy có ông truyền đạo như thế nên theo; nên không được chọn lựa, và ta chọn đại một đạo nào đó để theo, để cho có chỗ dựa tinh thần, mà để tạm thời ta có câu trả lời rằng "chết rồi ta sẽ có một chỗ để đi về" hoặc "trước khi sinh ra, thực sự ta có một nơi nào đó để từ đó ta đến đây". Ta tạm thỏa mãn với những câu trả lời như vậy và tạm yên tâm để sống tiếp, với hi vọng rằng: tôn giáo đó, đạo giáo đó dạy ta ăn hiền ở lành, để sau khi chết - từ bỏ cõi đời này - ta về một nơi rất an vui, rất là hạnh phúc. Tức là ta được phần thưởng sau cuộc sống này. 

Tuy nhiên, sau khi đào sâu vào các tôn giáo rồi, ta bắt đầu thấy có sự sai khác. Trong phần thuyết pháp này, chúng ta không tập trung vào sự sai khác, bởi có khi lại gây chia rẽ; trong khi chúng ta đang cần sự đoàn kết. Đạo nào cũng dạy "ăn hiền ở lành" - đây cũng chính là điều lôi cuốn con người ta đến với một tôn giáo / đạo giáo nào đó, nhưng đi sâu vào thì khác ở phía sau - chính là trả lời câu hỏi "đưa ta đi về đâu" mới là quan trọng. Sau khi nói với chúng ta về "ăn hiền ở lành" thì đạo giáo đó có dạy chúng ta "hiếu kính với cha mẹ ông bà mình" nữa hay không? Hay là khi ta theo đạo họ rồi thì đạo họ là nhất và ta không cần hiếu kính với ông bà cha mẹ mình nữa. Hoặc là đi sâu vào rồi thì đạo đó có dậy cho chúng ta yêu nước nữa hay không? Hay là đạo nói rằng chỉ cần yêu đạo thôi, tin đạo là đủ rồi và không cần yêu nước nữa? Nhưng có những đạo thì khi đi sâu vào vẫn dạy chúng ta vừa yêu đạo, vừa yêu nước. Có đạo thì khi đi sâu vào rồi thì dạy người ta khủng bố; nhưng có những  đạo thì dậy người ta cách phát triển tâm linh, tìm sự giác ngộ của nội tâm; ta từng bước Thánh hóa tâm hồn của mình lên, ta không còn là con người tầm thường nữa; mà từng bước ta càng tốt hơn, giỏi hơn, sáng hơn, trí tuệ đạo đức nhiều hơn. Bởi vậy, từ con người phàm phu ta trở thành một bậc Thánh thật sự. 

Bởi vậy, chúng ta khi gặp một đạo nào đó thì dù người ta có dậy "ăn hiền ở lành" thì chớ vội tin, mà phải tìm hiểu xem đoạn sau người ta dậy mình cái gì. 

Trong đạo Phật thì con đường đi thênh thang, cứ càng đi sâu vào thì chân lý, đạo lý càng mở ra đến vô tận; mà không bao giờ một kiếp người có thể hiểu hết được đạo Phật. Đạo Phật thâm sâu, vi diệu như vậy nên các nhà trí thức hàng đầu trên thế giới, sau khi mà họ đi hết con đường khoa học của họ thì họ đi tìm tới tôn giáo thì họ dừng chân nơi đạo Phật, bởi đạo Phật mở ra cho họ con đường tâm linh trí tuệ không cùng không tận. Nếu ta hiểu điều này thì muốn đi theo Phật ta phải đi hàng trăm, hàng ngàn kiếp. Bởi vậy, với một người hiểu đạo Phật là thâm sâu rồi, khi quỳ xuống lạy Phật rồi là ta lạy với tất cả trái tim tôn kính của mình bởi trí tuệ của Phật đã quá bao la, sâu xa và màu nhiệm; chứ không phải là chỉ bằng vài lời nói dựa vào niềm tin đơn sơ. Người càng có tri thức, trí tuệ chừng nào thì lại càng yêu quý, tôn kính đạo Phật chừng ấy. 

Điều may mắn cho đất nước ta là đạo Phật đã đến đây hơn hai nghìn năm. Các vị vua của ta, bằng trí tuệ của mình đã chọn đạo Phật như là một quốc đạo. Nhân dân ta cũng vì thế mà lấy đạo Phật làm lẽ sống cho cuộc đời mình. Chúng ta có một đất nước Việt Nam kiên cường, bất khuất. 

Nhân đại lễ 1000 năm Thăng Long, chúng ta nói thêm một chút về lịch sử. Vua Lý Thái Tổ là từ chùa đi ra. Ngài tu trong chùa nhưng có tướng đế vương, học hành tài năng phi thường nên thầy của Ngài là nhà sư Vạn Hạnh, mặc dù là một Thiền sư đắc đạo nhưng lại không cho Ngài xuất gia, mà bắt Ngài phải đi ra làm quan. Rồi Ngài thăng tiến và trở thành vị vua đầu tiên do quần thần bầu chọn mà không phải do nhường ngôi, cướp ngôi. Trong thời đại đó, từ vua đến quan đều rất yêu kính đạo Phật. Tuy nhiên, đạo Phật có một đặc điểm rất hay, tư tưởng trong đạo Phật không đem lại một sự cực đoan, độc tôn: Những người yêu kính đạo Phật nhất lại không bao giờ cho rằng chỉ có đạo Phật mới là nhất. Đây là chính là điều hay ở đạo Phật mà ta khó tìm ở các tôn giáo khác. Đạo Phật có sẵn tư tưởng hòa bình, bao dung, độ lượng. 

------------------

Trong thiên nhiên, mạnh được yếu thua. Cái hiển nhiên này nó khắc nghiệt, nó ác độc. Người biết đạo thì không muốn như vậy, ta không muốn vì sự sống của mình mà tranh giành sự sống của loài khác. 
Ta xác định 3 mục đích sống:

- Mang lại lợi ích yên vui cho con người
Mang lại lợi ích yên vui cho muôn loài
- Mang lại sự bền vững cho môi trường của trái đất
(- Mục tiêu cao xa hơn là giác ngộ, giải thoát)
Có nhiều người chưa thể ăn chay, vẫn phải ăn thịt ăn cá nhưng biết là mình đang vay mượn cuộc sống của các loài khác; thì phải biết đi làm việc lợi ích cho cộng đồng, đồng loại.


Ta lựa chọn sự ăn uống làm sao để ít chiếm đoạt sự sống của loài khác:
- Lúa: sau khi ra hạt rồi, tự cây cũng chết, hạt lúa là thành quả cuối cùng của cây lúa. Cánh đồng lúa thì bát ngát màu xanh cho trái đất
- Trái cây: cây ra quả, ta không hái quả thì quả cũng tự rụng, mà hái quả thì cái cây cũng không bị chết. Ta ăn trái cây thì chỉ hưởng thành quả.
- Sữa: Bò sữa nuôi riêng, không cần phải có bê mà bò vẫn có sữa
- Trứng gà: Con gà mái khi đến tuổi thì tự nó để trứng, mà nếu không có gà trống thì quả trứng cũng không nở được thành gà con.
- Mật ong: có sự tước đoạt, bởi ta phải đuổi ong khỏi cái tổ để cướp cái tổ mà lấy mật. 
- Rau: có phá sự sống một chút vì cây đang non.
- Con cá chết trôi vào bờ, con thú chết vì lý do nào đó: có ăn cũng không có tội

Cướp, trộm, lừa đảo là những hành động chiếm đoạt của người khác.

Sòng bài là một tệ nạn. Vì sao người ta thích đánh bài? Vì trong chớp mắt nếu thắng thì có thể đoạt rất nhiều tiền của người khác làm tiền của mình.

Phá rừng: là cướp đoạt sự sống của cả nhân loại. 

Người chủ bóc lột người làm công: cũng là cướp đoạt công sức của người làm công. Trong tinh thần từ bi của đạo Phật, nếu người chủ là đệ tử Phật thuần thành thì người chủ không vơ vét lợi nhuận; người chủ yêu thương nhân viên của mình. 

Ta học đạo lý yêu thương: yêu thương từng con người, loài vật, cái cây ngọn cỏ. Để tu hành, chưa cần đạo lý cao siêu nào, mà nếu lòng ta tràn ngập yêu thương (đến tận ngọn cỏ, cái cây) thì khi chết đi ta sẽ về cõi Thánh, cõi Phật.

Người có bổn phận thì yêu thương còn là trách nhiệm thiêng liêng hơn nữa: cán bộ yêu thương người dân; cha mẹ thương yêu con cái; người chủ yêu thương nhân viên v.v.

Khi đó, dù ta chưa từ bỏ thế giới này thì thế giới này đã tràn ngập yêu thương.

Người nghiện là người ích kỷ, chỉ biết đến bản thân. 

Hễ ta sống trên đời thì vô tình đã tranh giành sự sống của người khác. Bởi vậy ta phải làm gì để tất cả cùng có lợi; mang lại sự sống cho muôn loài để bù lại những gì ta đã thụ hưởng.  Vậy ta phải sống để làm gì? Sống để không uổng phí, không làm tổn hại muôn loài, nhưng ta còn một mục đích tối cao nữa: Sống để giác ngộ tâm linh - giải thoát.

Giác ngộ tâm linh là gì? Muốn đạt được mục đích gì thì ta phải hiểu. Chính vì không hiểu nên nhiều người đi sai, đi lạc. Chính vì khó nên mới phân biệt người có và không có Thiện căn. 

Sống để đi tìm tâm linh giác ngộ. Dù chúng ta chưa hiểu tâm linh giác ngộ là gì nhưng chúng ta vẫn đi tìm vì chúng ta có đức Phật từ bi trí tuệ. 

Ta phải đi qua nhiều giai đoạn
- Sống có ích cho gia đình, cho xã hội (để tạo công đức)
- Khi có công đức rồi thì không hưởng (mà chuyển thành sự an định trong Thiền định)
- Đi bằng tâm linh giác ngộ này ta sẽ tìm được tâm linh giác ngộ cuối cùng



---
Lưu ý

Saturday, April 6, 2013

Xin bảo trọng

Theo dõi bài thuyết pháp: Youtube - Lưu trữ

Xin bảo trọng có nghĩa là xin tự bảo vệ mình, tự giữ sức khỏe của mình.

Sự bình an của một người chính là niềm vui của những người thân. Mọi người hãy cố gắng sống vui, sống khỏe để những người thân của mình được yên tâm làm rất nhiều công việc khác.

Tình cảm riêng tư tạo nên sự ràng buộc rất lớn. Theo lẽ thường những gì riêng tư, gần với mình (như bản thân, vợ/chồng, con cái, gia đình, v.v.) là những gì quan trọng nhất. Theo lẽ thường vì những điều này mà người ta có thể sẵn sàng hi sinh cả cộng đồng, tổ quốc.

Sống cho bản thân, chỉ nghĩ cho bản thân tưởng là sẽ khiến cho con người có trách nhiệm hơn với bản thân; nhưng ngược lại sống ích kỷ, buông tuồng. Đứa trẻ mà thương yêu cha mẹ, vì vâng lời kính yêu cha mẹ mà không giám sống buông tuồng. Khi người ta biết sống vì những người thương yêu của mình thì người ta sống có trách nhiệm hơn, trách xa sự nguy nhiểm, tránh xa sự sa đọa.

Mỗi công dân mà biết giữ gìn sức khỏe, tính mạng của bản thân thì sẽ không trở thành gánh nặng của gia đình, đất nước. Cứ một người trong quốc gia tàn tật sẽ góp phần kéo tụt nền kinh tế của quốc gia đó xuống. Bởi vậy, khi đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm, không uống rượu bia khi lái xe, ngồi ôtô thì thắt dây an toàn, v.v.

Ta còn phải dùng trí thông minh của mình để tránh xa những nguy hiểm, tránh xa những nơi sa đọa tội lỗi.

Khi bản ngã của ta nhẹ xuống thì ta thông cảm được với mọi người, yêu thương được mọi người. Nơi nào dạy chúng ta nâng cao sức khỏe, nâng cao trí tuệ thì ta tìm đến.

Ta phải tạo nhiều công đức để công đức đó trở thành chiếc "áo giáp" vô hình bảo vệ mình.

Trong đêm Phật thành đạo, Ma vương hiện ra và gây trở ngại, nhưng Phật bảo rằng "Ma vương không làm gì được vì công đức vô lượng mà Phật làm trong vô lượng kiếp".

Từng điều ta giúp người, từng điều ta giúp đời sẽ là chiếc áo giáp bảo vệ ta.

Cái Phước cũng âm thầm bảo vệ cuộc đời, tâm hồn ta. Ví dụ: có người rủ ta làm ăn có gì đó mờ ám không rõ ràng, nhưng có lãi lớn; tự nhiên tâm bừng sáng để từ chối chuyến làm ăn, do đó không phạm pháp, tránh được tội.

Có người nói với mình, cuộc đời ngắn ngủi; nên còn ngày nào sống trên đời là phải sống cho vui, sống cho hưởng thụ. Đứa bé nhờ cái Phước thầm kín mà hiểu ngược lại, chính vì không biết ngày mai thế nào nên còn sống ngày nào là phải tu ngày đó.

Ngược lại, với người lười biếng, hưởng hết rồi thì cuộc đời bấp bênh, ai muốn hại ta thì ta cũng ít còn điều gì để được bảo vệ.

Nhưng với người chiến sĩ ra chiến đấu ngoài chiến trường, có thể áp dụng lời khuyên bảo trọng để lo cho bản thân mình được không? Lúc này, thay vì nghĩ về bản thân, nghĩ về số ít người thân xung quanh; người lính phải nghĩ về cả đất nước, nghĩ về cả chục triệu người.

Giờ phút chia tay nói năng chi
Chỉ có một lời xin khắc ghi
Thương nhau hãy tự mình bảo trọng
Nhớ nhau trên mọi nẻo đường đi
***
Từ lúc cuộc đời đã có nhau
Sẻ chia hạnh phúc lẫn u sầu
Dám đâu liều lĩnh riêng một cõi
Kẻo người mang lấy những niềm đau
***
Ta đã dặn lòng sống bao dung
Hiểu sâu đạo lý của chung đồng
Tuy một nhưng cũng là tất cả
Cõi lòng thanh thản tựa hư không



---
Lưu ý

Friday, April 5, 2013

Sống cân bằng hài hòa

Theo dõi phần thuyết pháp: Youtube - Lưu trữ

Thời xa xưa, chúng ta đi ra từ rừng núi, thiên nhiên. Văn minh, kỹ thuật phát triển thì cuộc sống tiện nghi hơn. Dần dần ta bỏ xa cuộc sống thiên nhiên và bị mất cân bằng.

Khi sống gần thiên nhiên thì sức khỏe tốt hơn, tâm linh - trực giác phát triển mạnh hơn.

Tuy nhiên, bây giờ ép chúng ta trở về cuộc sống gần thiên nhiên thì ta không làm được, vì ta đã quen với tiện nghi rồi (quen dùng máy điều hòa nhiệt độ, quen dùng xe máy - phương tiện cá nhân, v.v.). Não hoạt động nhiều mà thân thể ít vận động, điều này gây sự mất cân bằng.

Giờ ta nhìn lại, ta thấy phải cân bằng: vẫn sử dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhưng cuộc sống cũng nên gần với thiên nhiên hơn. Nếu phải chọn thì ưu tiên thiên nhiên hơn là kỹ thuật.

Sự tu hành không lệ thuộc vào kỹ thuật cao, mà trái lại - đơn sơ. Tập lòng yêu thương con người, tập bỏ đi sự sân hận v.v. không phụ thuộc máy móc.

Từng bóng cây xanh che mát nhau
Núi cao suối mát chốn rừng sâu
Thiên nhiên hùng vĩ nguồn yêu dấu
Ban tặng cho người biết bao nhiêu
***
Xin hãy yêu thương từng cánh hoa
Giọt sương trên lá bóng chiều qua
Đô thành mù mịt đầy xe khói
Chốn ấy làm ta thấy nhạt nhòa
***
Xin được trở về chốn non cao
Vui với suối reo tiếng dạt dào
Tĩnh lặng tọa Thiền nơi am vắng
Để lòng bay bổng đến trăng sao




---
Lưu ý

Wednesday, April 3, 2013

Làm sao để chuyển nghiệp

Theo dõi phần thuyết pháp: Youtube - Lưu trữ

(năm 2008)

Khi ta chưa biết đạo Phật, hoặc khi ta biết đạo Phật rồi thì ta có làm điều đó sai; mình bị quả báo xấu - cuộc đời mình rơi vào cảnh khổ. Vừa cái tâm mình không tốt - thiếu đạo đức, hoàn cảnh xung quanh thì đau khổ. Cái tối tăm, bất hạnh nó chồng lên nhau như vậy: tâm mình không tốt đã là một cái bất hạnh rồi, hoàn cảnh xung quanh lại bức xúc, bất hạnh lại là một cái đau khổ nữa. Đến khi ta gặp Phật pháp thì mới biết mọi điều là do nhân quả tạo nên; do đó chúng ta muốn thay đổi. Cái mà ta muốn thay đổi số phận và tâm hồn mình, trong đạo Phật ta gọi là chuyển nghiệp. Tâm hồn mình phải tốt lên và hoàn cảnh của mình phải sung sướng hơn, hạnh phúc hơn.

Tu gì không biết mà càng tu hoàn cảnh càng khổ là sai. Có thể ta cần một vài hoàn cảnh khổ, để ta được thử thách được rèn luyện thì điều đó rất cần. Nhưng khổ không có lối thoát thì ta phải xem lại cái nghiệp của mình - có thể nghiệp của mình có cái gì đó sai lầm.

Có người nói: "Con buồn quá, con muốn vào chùa tu". Thầy nói: "Vào chùa càng buồn hơn". Tại sao lại như vậy? Bởi vì nếu chùa vui thì người ta không tu được. Ta không nên nghĩ rằng đi xuất gia là đi tìm một nơi bình yên. Bảo rằng, ngoài đời con sóng gió quá - người yêu bỏ, bạn bè quay lưng, tiền bạc thì biến mất, mọi thứ không còn gì hết - thôi thì bây giờ con vào chùa tu. Như vậy là hiểu sai. Nếu vậy thì chùa trở thành một nơi trú ẩn, tránh né, thì sự thực không phải vậy!

Chùa là nơi tu; và ta không bao giờ tu được nếu không có nghịch cảnh. Dĩ nhiên trong chùa thì ta luôn muốn sống tốt với nhau. Lúc nào ta cũng muốn xây dựng mái chùa này thành một tổ ấm yêu thương - thầy thương yêu đệ tử, để tử thương yêu thầy, huynh đệ thương yêu nhau. Ta thấy chùa là nơi lý tưởng quá nên muốn vào chùa để tránh né cuộc đời thì lại là sai. Nếu chùa bình yên, sung sướng như vậy thì sẽ không có một thầy, một cô nào đắc đạo được.

Cho nên ta phải hiểu thế này, ta rất cần chùa bày tỏ được đạo lý để cho ta học, nhưng đừng bao giờ nghĩ rằng vào chùa rồi thì mọi chuyện sẽ yên ắng. Nếu chùa bình yên quá thì ta phải cầu cho chùa có chuyện gì lộn xộn một chút :) để thử tâm mình. Thật ra nghịch cảnh là những liều thuốc bổ. Khi mình chưa đủ đạo lực mà nghe nói chỗ này có người chửi [mắng] mình, chỗ kia không có cơm ăn mà bảo mình vào đó thì mình sợ. Nhưng với người hiểu đạo rồi thì đó phải là nơi mình đi tới. Nơi nào có người chửi [mắng] mình thì mình tới đó, và nghe một cách an vui thì đó là người biết tu. Đi tìm cái nghèo, tìm niềm vui trong cái nghèo. Người biết tu rồi thì dấn thân vào trong nghịch cảnh. Bởi vì chính trong nghịch cảnh thì đạo lực mình mới lớn lên được. Còn nếu sống trong sự sung sướng nuông chiều thì đạo lực mình không lớn lên được.

Tuy nhiên, ta dấn thân vào nghịch cảnh để trả nghiệp xưa của mình, để nâng cao đạo tâm của mình là một chuyện; còn cuộc đời hết khổ chuyện này đến khổ chuyện kia, khổ tới đuối sức, tới bế tắc - tới không còn lối ra (việc xấu vây ta). Ta đuối không chịu nổi và ta phải chuyển. Trong đạo Phật, giỏi tu là chuyển được nghiệp của mình, chuyển được tâm hồn và chuyển được hoàn cảnh của mình. Muốn chuyển được thì ta phải có sức mạnh để thay đổi đổi cuộc sống, đạo đức, tâm hồn của mình.

Chuyển nghiệp là quá trình, là công thức. Khi biết công thức rồi, ta cứ kiên nhẫn làm từ năm này qua năm kia thì cuộc đời ta sẽ thay đổi, tâm hồn ta sẽ thay đổi.

Thứ nhất, ta cần biết mình sai ở điểm nào. Ví dụ ta nghèo, thì nghèo là vì sao? Có thể vì hẹp hòi, hoặc có tiền nhưng phung phí (sài sang, sài không đúng chỗ, cho người không đáng cho). Ví dụ thấy khuôn mặt mình không đẹp thì có thể do mình hay chê bai người khác, hoặc là mình hung dữ, do mình gặp người khác mà mình không thích vui, sống giữa cuộc đời mà không nở nụ cười với người khác.

Thứ hai, ta phải đem cái lỗi đó ra, ta quỳ trước Phật để xin sám hối và nguyện hàng ngày làm điều tốt đẹp, điều đúng.

Tiếp đó, ta chuyển từ ý nghĩ sang hành động. Quá trình chuyển này có thể rất khó khăn lúc mới đầu, nhưng rồi sẽ thành quán tính, sau dễ dần. Quả báo của tâm bố thí, thương yêu khi đã chín muồi thì khi ta thầm nghĩ mong muốn điều gì [vừa vừa, nhỏ nhỏ] gì điều đó sẽ đến.

Tóm lại, để chuyển nghiệp thì có mấy giai đoạn:
- Biết lỗi
- Sám hối trước Phật và phát nguyện
- Hành động
- Hoàn cảnh xung quanh ta bắt đầu thay đổi

Khi may mắn đến với ta thì không nên dại dột hưởng hết. Ví dụ, khi có lúa thì không ăn hết mà giữ lại để mà trồng tiếp.

"Phước bất năng hưởng tận"

Bồ tát là như vậy, làm Phước tràn ngập hết mà không hưởng.



---
Lưu ý

Trải nghiệm của bản nhân khi tập ngồi Thiền

Tôi viết lại ở đây một số tình huống mà bản thân gặp phải trong thời gian tập ngồi Thiền. Trước hết là để xem lại khi cần bởi có vẻ như các lỗi gặp phải sẽ còn quay trở lại chứ không hết ngay được. Sau nữa, hi vọng những ghi chép này có thể gợi ý cho ai đó trong quá trình tìm câu trả lời cho những thắc mắc của bản thân. Tuy nhiên, đây hoàn toàn chỉ là trải nghiệm bản thân, chưa hề được kiểm định để kết luận là có thể áp dụng thành công với ai đó khác. 

(*) Tình huống: Sau khi ngồi Thiền thì người bị lạnh run lập cập.
- Hoàn cảnh: người mới bắt đầu tập ngồi Thiền, mới chỉ ở giai đoạn cố gắng Điều thân.
- Hiện tượng: cảm giác lạnh run ở toàn bộ cơ thể, có cảm giác cái lạnh từ trong ra, chứ bên ngoài không thấy lạnh; cơ thể run lên; phải mặc thêm áo, đắp thêm chăn;
- Phỏng đoán nguyên nhân: là do xả Thiền không kỹ.
- Điều chỉnh & kết quả: xả Thiền kỹ lưỡng hơn, theo thứ tự như hướng dẫn trong các bài giảng của thầy Thích Chân Quang. đặc biệt là phần dùng tay chà xát cơ thể (đằng trước - nơi gan/phổi, đằng sau - nơi 2 quả thận), chà xát các chân cho nóng lên. Kết quả là không còn thấy lạnh run nữa.
- Thử lý giải: Cái đau/tê chân làm cho bản thân muốn duỗi chân ra càng nhanh càng tốt. Có lẽ vì vậy mà các bước xả Thiền đã không được thực hiện cẩn thận. (phỏng đoán) Cơ thể đang quen với tư thế tiêu hao ít năng lượng, giờ phải tư thế/hoạt động của cơ thể thay đổi quá nhanh khiến năng lượng phải chuyển hóa chưa thể thích nghi ngay (từ ít --> nhiều), dẫn tới phản ứng lạnh run.

(*) Tình huống: Ngồi được một lúc thì phần 2 chân bị rung, giật làm cho việc ngồi không được yên
- Hoàn cảnh: người mới bắt đầu tập ngồi Thiền, mới chỉ ở giai đoạn cố gắng Điều thân.
- Hiện tượng: ngồi được khoảng 20-25 phút thì 2 chân bị rung/giật nhẹ thành từng đợt (có khi bị vọng tưởng dẫn đi, quên mất thì hiện tượng rung/giật giảm nhẹ; nhưng rồi nhanh chóng sau đó quay lại. Hiện tượng rung làm cho lưng không giữ được thăng bằng nữa, ngồi không yên.
- Phỏng đoán nguyên nhân: Có thể là do một vùng nào đó của não bị dằn ép. (Tham khảo: Phúc Minh -- 30-10-12, 05:18 PM -- "Có lần tỷ thấy Sư Phụ trả lời cho câu hỏi tương tự như thế này rằng: Do mình mới tập ngồi, tâm chưa định, máu huyết chưa lưu thông, các dây thần kinh não bị dằn ép, nên các bộ phận tương ứng vs các dây thần kinh trên não bị giật giật. Nhưng đừng sợ, ráng ngồi thiền điều thân đúng tư thế, lạy Phật sám hối và cầu nguyện xin Chư phật che chở cho mình, dần dần sẽ hết. Cố gắng để tâm dưới huyệt Đan Điền ( 1 điểm rất nhỏ dưới rốn 3 cm ) tránh để tâm trên đầu dễ ... điên đó. Ráng điều thân đúng tư thế theo lời Sư Phụ dạy vì chúng ta luôn sợ Sai 1 ly đi 1 dặm mà..."
- Điều chỉnh & kết quả: (sẽ được cập nhật...)
- Thử lý giải: (sẽ được cập nhật...)


(*) Tình huống: 

- Hoàn cảnh:
- Hiện tượng:
- Phỏng đoán nguyên nhân:
- Điều chỉnh & kết quả:
- Thử lý giải:




(*) Tình huống: 


Hoàn cảnh:
Hiện tượng:
Phỏng đoán nguyên nhân:
Điều chỉnh & kết quả:
Thử lý giải:


(*) Tình huống: 


Hoàn cảnh:
Hiện tượng:
Phỏng đoán nguyên nhân:
Điều chỉnh & kết quả:
Thử lý giải: 


(*) Tình huống: 


Hoàn cảnh:
Hiện tượng:
Phỏng đoán nguyên nhân:
Điều chỉnh & kết quả:
Thử lý giải: 


(*) Tình huống: 


Hoàn cảnh:
Hiện tượng:
Phỏng đoán nguyên nhân:
Điều chỉnh & kết quả:
Thử lý giải: