Tuesday, December 25, 2012

Phóng lao

Theo dõi bài thuyết pháp: Youtube - Lưu trữ

Nhìn nhận câu nói "Lỡ phóng lao thì phải theo lao" của ông cha ta ngày xưa dưới cái nhìn của Phật pháp.

Sau khi phóng lao, dù trúng con mồi hay không thì đều phải đi theo hướng đó để hoặc lấy con mồi nếu phóng trúng hoặc nhặt lại cái lao đó nếu phóng trượt. Vào thời đó, cái lao là quý giá vì mất nhiều công để làm ra, nếu ném trượt xong mà bỏ đi luôn thì không còn công cụ để săn bắt nữa.

Mọi người nghiền ngẫm xem mình đã phóng lao gì và mình đã phải đi theo nó suốt cuộc đời hay chưa?

Chúng ta có những cái lao tương tự trong cuộc đời mà lỡ làm rồi thì phải theo đuổi. Ví dụ: mở quán, thì phải đầu tư bàn ghế, nhà quán, khi đó không mà dừng lại thì mất những đầu tư ban đầu, bởi vậy phải cố làm nốt. Khi ta bắt đầu công việc, tự ta quyết định, nhưng sau khi bắt đầu rồi thì buộc ta phải theo.

Công việc sau khi theo đuổi, đến khi kết quả như mong muốn thì không sao, nhưng nếu không được như vậy (ví dụ: hàng quán đầu tư rồi mà khách không đông, làm ăn không có lãi). Khi đó có khi ta tự nói với lòng mình "Phải chi mình dừng lại ngay từ đầu thì có thể mất mát chút ít nhưng bây giờ không đến nỗi thế". 

Cây lao do chúng ta phóng đi, không ai bắt buộc, bởi vậy trước khi phóng đi, chúng ta phải suy nghĩ kỹ, bởi vì phóng đi rồi thì không lấy lại được nữa.

Nghiệp là một cây lao quan trọng,, đời trước chúng ta cũng phóng nhiều cây lao nghiệp lắm rồi, và kiếp này chúng ta đang đi về hướng đó. Nếu đời trước mình đã thương yêu, tốt với mọi người, tức là phóng cây lao về phía thương yêu, thì đời này mình lấy lại được sự tử tế, thương yêu, gặp ai mình cũng được cảm tình, mình nhờ vả gì cũng được người khác giúp đỡ. Đời này, dựa vào nhân quả đó, chúng ta tự nhắc mình tiếp tục con đường đó. Bởi vì thương yêu người, giúp đỡ người là vất vả.

Người phóng cây lao đại nghĩa thì dễ chết, còn người khó chết thì có thể đã có cái sai nào đó, có thể do mình đã lười quá sống thờ ơ quá. Người nào lúc sống thì tận tụy, cống hiến hết cuộc đời thì lúc chết nhẹ nhàng.

Người nào làm cho người khác yên vui thì dễ nhập định. Nghe thì có vẻ vô lý nhưng thực ra lại rất lô-gic. Người nghèo thì rất lo lắng về cuộc đời (bữa sau mình ăn gì, mình làm gì để kiếm sống, v.v.), tâm họ rất căng thẳng, bất an. Khi ta giúp người (dù chỉ là bữa ăn) thì ta đã giúp cái tâm người ta an. Do đó, bản chất của làm phước là làm cho tâm của người khác an. Hàng trăm, hàng triệu việc phước như vậy thì làm cho tâm ta rất an, do đó dễ nhập định.

Không nên giấu nghề, với ai mình cũng muốn truyền cho họ cái kinh nghiệm muốn họ giỏi lên. Mình muốn mọi người trí tuệ, thì mình sẽ được lại trí tuệ. 

Phóng lao sai đích: Nếu phóng lao sai rồi, mà nếu hiểu ra mình sai rồi thì phải dừng lại ngay, không nên theo lao nữa, bởi càng theo sẽ càng sai.

Trong đời này, có những việc phải bắt buộc thì rất tốt trong cuộc đời. Với con em thì bắt buộc nó đi chùa, nghe Phật pháp, hiểu đạo lý thì cuộc đời nó sẽ sáng lên. Mặc dù là bắt buộc nhưng lại rất thiện. 

Với người nghiện ma túy thì phải bắt buộc bỏ cây lao nghiện ngập, phải bắt buộc họ từ bỏ. Trong tình yêu nam nữ, một người bị người yêu hắt hủi, thì phải dứt khoát làm lại từ đầu, vì càng đắm đuối thì càng đau khổ. Trái tim, cuộc đời này chi cống hiến cho điều tốt, điều đúng mà thôi, chứ không phải là điều sai lầm. Người bạn đời mình phải có chất thiện trong người, họ cũng phải làm điều tốt cho đời, tạo thành phước.

Một người đi tìm đạo, nếu gặp ông thầy mới đầu rao giảng nhiều điều hay, nhưng rồi mình phát hiện ra giáo lý của ông không đúng, ma mị; mặc dù lúc mới vào đạo thì mình đã thề. Lúc này, phát hiện ra sai rồi thì phải dứt khoát vứt cái công, sự khởi động, sự đầu tư ban đầu. Lúc này quan trọng là phải nhìn ra, tỉnh táo.

Khi ngồi thiền mà nhức đầu thì phải dừng lại ngay, nếu không thì điên ngay. Vì ông thấy lỡ phóng lao thì phải theo lao, pháp môn của ông chưa hoàn chỉnh nhưng lỡ "quảng cáo" với mọi người, nên giờ cố theo lao. Đáng nhẽ phải nhìn nhận lại pháp môn của chính mình.

Niệm Phật, tụng chú, theo dõi hơi thở cũng có cách làm đúng, cách làm sai. Nếu làm đúng thì tâm ta phải thấy yên, còn không thì phải dừng lại, hỏi cho ra lẽ.

Có những cây lao mà mình phải theo suốt đời, dù chúng ta phải hi sinh thiệt thòi vì nghĩa tình. 

Khi chúng ta khó khăn, có ai cưu mang mình thì mình phải nhớ ơn họ suốt. Dù mình đã giúp lại rồi thì mình vẫn phải nhớ ơn cưu mang, bởi không có cái ngày họ giúp mình thì làm gì có cái ngày sau này để mà mình được giúp đỡ lại họ. 

Cái lao Phật pháp: 
1) Tìm điều cao thượng: Phải đối diện với tham lam, ích kỷ, đau khổ; thì ta phải tìm điều cao thượng. Người có trí tuệ thì không hài lòng với những điều này của thế gian; mà đi tìm điều gì đó vượt lên trên điều tầm thường.
2) Tìm điều thiêng liêng mầu nhiệm: chúng ta biết rằng trên đời này còn có những vị Thánh cao cả; Trên cõi đời này, dù hết sức cố gắng nhưng con người với nhau vẫn còn nhiều hạn chế. Bởi vậy chúng ta cần có Phật pháp để nâng bước ta.
3) Tìm sự giải thoát: Luân hồi là đau khổ. Ta không thể cứ tái sinh hết kiếp này đến kiếp khác. Nếu bất ngờ ta nhớ lại chừng 200 kiếp trong quá khứ, thì không muốn luân hồi nữa. Khi nhiều tuổi rồi, thấy cuộc đời vừa qua  khổ nhưng vì chỉ biết có một kiếp hiện tại nên còn ráng chịu, nhưng nếu thấy được 200 lần sự khổ như vừa rồi thì chắc sẽ thấy ngán. Lúc đó mình mới thấy giải thoát là lý tưởng. 


3 điều cụ thể mà ta đi theo: Bổn sư, giáo lý của thầy và phương pháp hành trì. Có người gặp thày trước rồi được học giáo lý sau, có người có cái duyên được biết giáo lý trước rồi gặp thầy sau. Tình nghĩa với bổn sư ban đầu vẫn phải luôn giữ.

Tu sai thì càng ngày càng tệ hơn, tính tình ích kỷ hơn mặc dù đi chùa rất lâu. Tìm thầy rất khó, bởi không thầy nào nói mình sai. Mình thì lại chưa đủ vững vàng để quyết định xem giáo lý của thày nào là đúng. Lúc này, mình cần cầu Phật gia hộ. 10 năm sau khi học giáo lý mình thấy cuộc đời mình thay đổi: tâm tính hiền lành dễ thương hơn (không phải là nhu nhược), hoàn cảnh may mắn hơn, trí tuệ mình sáng hơn, ngồi thiền thì tâm linh mình an ổn. Khi đó mình yên tâm theo đuổi nhưng không chủ quan.

"Xin Phật gia hộ cho con để con tìm được giáo lý chân chính để theo suốt đời"

Cẩn thận, không chủ quan là một đức tính quý giá. Không bao giờ được tự mãn, lúc nào cũng hết sức phải cảnh giác.

Trong quá trình tu tập, tâm ta luôn luôn khi tiến khi thoái, nay nhập định được mai lại bị động tâm; nhưng không hoang mang, mà phải tập lại, kiên nhẫn hơn nữa.


Trước khi phóng cây lao Phật pháp thì phải chú ý mấy điều sau:

  • Phóng đúng: chọn bổn sư, giáo lý
  • Phóng mạnh và chuẩn xác: Đem hết sức mình để phóng cây lao (không được ngần ngại, không được do dự, không được tu lừng khừng); nghĩa là phải sống hết mình vì Phật pháp. Đem hết cuộc đời cho Phật pháp nghĩa là sống đúng với giáo lý kể cả khi đã có gia đình vợ con. Đạo lý của Phật dạy là người tu tại gia vẫn tu được. Đối xử tốt với vợ con mình cũng là sống đúng và hết mình với đạo lý: Đưa vợ con mình đi về chùa tu hành, hướng dẫn vợ con mình tu tập. 
  • Đại nguyện: Quỳ xuống trước Phật, hàng ngày chúng ta phát nguyện "con xin nguyện đời đời kiếp kiếp đi theo Phật, dù chết không bao giờ lùi bước, dù chết không bao giờ khởi lòng ghét ai hết, nguyện tinh tấn hết đời này đến đời khác không bao giờ thoái tâm đi theo Phật pháp"
  • Không bao giờ kỳ hạn một thời gian (ví dụ: không bao giờ nguyện tu một kiếp này đắc đạo. Đây là người tham lam, không công bằng - mình vô minh vô lượng kiếp mà bây giờ đòi tu một kiếp mà chứng được); một người có trí tuệ chỉ sợ mình sai chứ không sợ mình chậm - mong từng giờ phút hiện tại chúng ta tu đúng là được, chứ không bao giờ kỳ hạn là bao lâu ta sẽ đắc đạo. Hiền lành - khiêm hạ - tinh tấn. 


Cảnh giác vài điều: 

  • Mũi lao phóng lên Trời: phóng quá cao thì không được gì, có khi lại rơi trúng mình. Tâm tham vọng quá sức, mưu cầu đòi chuyện to lớn. Kiêu mạn quá sức, coi thường Thần Thánh thì cũng không được gì. Đừng nói tâm này là Phật, bởi vì tâm này còn tham lam, sân hận. Cần cẩn thận với những giáo lý làm chúng ta ảo tưởng.
  • Mũi lao phóng xuống vực: Đem cuộc đời sống không có định hướng, lý tưởng, phí hoài cuộc đời, chỉ biết tìm cái lợi cho mình mà không đem cái lợi cho người khác. Phải tiếc từng chút thời gian để sống cho đẹp, cho tốt.
  • Đừng dùng cái lao để giết đồng loại: Không bao giờ nghĩ đến chuyên hại người khác, hoặc không bao giờ dùng tâm trí mình, công sức mình để khuấy động sự bình yên của người khác.
  • Mũi lao hộ pháp: những con người biết đem sức lực, trí tuệ của mình để bảo vệ Phật pháp. Nếu không thì đến một ngày chúng ta không còn đất để thờ Phật. Chúng ta yêu quý đạo Phật, nương tựa đạo Phật thì phải biết bảo vệ đạo Phật, thế suốt đời bảo vệ Phật pháp.


---
Lưu ý

No comments:

Post a Comment