Monday, December 31, 2012
7 Câu Hỏi về Thiền
Nội dung dưới đây được sưu tầm từ blog Lich sử Phật giáo, có bổ sung thêm các ghi chú cho bản thân.
Câu 1: Tại sao phải ngồi thiền đúng tư thế, giữ thân mềm mại bất động?
Ta buộc phải ngồi đúng tư thế kiết già mà mười phương, ba đời Chư Phật đều ngồi như vậy. Vì sao? Vì đó là cấu trúc của tâm và sinh lý phù hợp cho việc nhiếp tâm trong tu tập Thiền định. Nếu đứng, không thể đứng lâu và không vững. Nếu nằm thì giải đãi. Ngồi là tư thế trung dung giữa đứng và ngồi, đảm bảo chịu đựng được lâu. Đó là nói về sự cố gắng. Ngoài ra, trong cái ngồi đó mình phải bắt kiết già để khóa chân lại, hai tay nắm lại giữa lòng, không bung ra, lưng phải thẳng cho nên hợp lại với nhau và phù hợp với sinh lý của não nhất, khiến cho não dễ dàng được thanh thản. Tất cả các thế ngồi khác,như khi ngồi bán già hoặc ngồi trên ghế…đều không thể hỗ trợ cho việc nhiếp tâm vào sâu. Tư thế kiết già đảm bảo khoảng cách từ lòng bàn chân đến não là thích hợp nhất, đảm bảo để máu từ tim lên não và xuống lòng bàn chân, điều này có tính khoa học.
Tại sao phải thẳng lưng? – Thầy chỉ nói một ý vắn tắt. Sau này mọi người đi dậy người ta thì phải nói nhiều hơn.
Giữ thân mềm mại bất động. Vì mọi hoạt động của thân đều liên quan đến não. Do đó nếu thân nhúc nhích thì não sẽ bị động. Phải giữ toàn thân mềm mại, bất động để não được thư giãn. Đó là điều bắt buộc. Mà nếu ta gồng thân thì sao? – Thì não sẽ căng thẳng. Bởi vậy ta buộc phải giữ thân mềm mại, bất động để não bất động, thư giãn. Sự thật, tu thân chính là tu tâm. Ở đây có một điều lạ, đó là nói “Thiền là điều phục tâm” nhưng có nhiều nơi tu thiền mà trực chỉ thẳng vào tâm, nắm cái tâm tu luôn. Không ngờ cái đi thẳng lại là cái sai, không bao giờ thành công. “Đi vòng một khắc, đi tắt một ngày”. Chính cái đi vòng, đi từ cái nền theo thiên nhiên đã bày ra mà ta làm chủ được cái tâm mình. Ta muốn đi thật cao thì ta phải bò xuống thật thấp, muốn đi thật xa thì hãy đi thật chậm. Cũng vậy, muốn điều phục tâm, ta hãy lo chuẩn bị, sửa soạn thân cho thật kỹ. Vì thế, giữ thân mềm mại bất động chính là giữ cho tâm mình bất động, yên lắng và thư giãn.
Câu 2: Tại sao khi ngồi thiền phải cảm giác toàn thân, an trú toàn thân?
Giống như mình hồi nhỏ, khi mình học toán thì diện tích hình chữ nhật là cái gì? Là dài x rộng, mình không biết tại sao. Nhưng khi mình lớn lên tới lớp 12 thì phải biết tại sao. Do đâu biết tại sao? Do ta học Tích phân. Giống như hồi nhỏ ta học diện tích hình tròn thì bằng bình phương bán kính nhân với số Pi. Cứ học thôi, không biết tại sao. Nhưng tới lớp 12, ta phải biết tại sao, khi ta được học môn Tích phân thì ta biết tại sao nó như thế.
Thì cũng vậy, khi ta mới đến học Thiền thì căn bản là biết rõ toàn thân. Biết rõ thân này là vô thường, bắt đầu biết hơi thở. Biết hơi thở vào, biết hơi thở ra rõ ràng và không điều khiển. Ta cứ học vậy thôi, từ từ tâm ta thanh tịnh. Từ từ phá vỡ hết những phiền não cấu trúc trong não ta, ta đi vào thanh tịnh. Nhưng ta không cần biết tại sao. Nhưng mà khi không biết tại sao thì trong lòng ta vẫn có cái gì đó hồ nghi nhỏ nhỏ. Còn khi ta biết tại sao như thế thì ta rất vững lòng ứng dụng pháp môn của mình.
Bây giờ Thầy giải thích. Mình sẽ hiểu được các pháp môn khac họ tu đúng chỗ nào, sai chỗ nào.
Theo sinh lý học về não của y học, ghi trong y văn, thì nguyên vùng vỏ não của chúng ta, mỗi vùng vỏ não gánh một bộ phận cơ thể. Toàn cơ thể phía dưới đều được phản ứng trên vỏ não. Ví dụ chân nằm ở đây, ngón chân nằm ở kia, gan, thận, phổi, lá nách, phổi, cánh tay, lưng, bụng, đùi đều nằm trên vỏ não. Bây giờ ta dùng kim chích vào vùng vỏ não đầu gối thì đầu gối đau liền mặc dù không đụng tới đầu gối.
Hoặc là có những người bị tật nguyền mà mất chân vì lý do tai nạn, họ cứ thấy bị ngứa ngón chân cái, nhưng mà có để gãi không? Ngón chân cái không có để gãi nhưng vẫn bị ngứa, thì cái ngứa đó ở đâu? Vì vùng não của ngón chân cái còn. Vùng não bị cái gì đó nên ngứa ,nhưng nó phản ánh toàn thân là có ngón chân cái mà rờ không có chỗ nào để gãi hết. Ta hiểu như vậy, vỏ não của ta phản ánh cơ thể của ta. Nó có chức năng, trách nhiệm phản ánh toàn cơ thể của ta. Tự nhiên, bình thường và bình yên như thế. Thế nào khi ta sống mà ta bị căng thẳng, khi ta sống mà ta được thư giãn? Tức là vỏ não làm việc đúng chức năng của nó.
Ví dụ như là phần vỏ não thể hiện về cánh tay của ta mà nó được an trú nơi cánh tay của ta thì nó là thư giãn, nó bình yên. Nếu vỏ não đó buộc nó phải suy nghiệm về vấn đề khác thì nó trở nên căng thẳng dần, gọi là tâm ta động. Ta mệt, ta phải làm việc. Khi não ta làm việc nghĩa là gì? Là nó không thực hiện đúng với cái chức năng tự nhiên của nó, bắt đầu nó phải động qua vấn đề khác. Nhiều ý niệm khác đi vào. Như cái vùng đó chịu trách nhiệm về lưng nhưng vây giờ nó không chịu trách nhiệm về lưng nữa mà lúc đó đang suy nghĩ về người hàng xóm, về việc hơn thua, cãi lẫy… là nó rời khỏi chức năng đó. Gọi là não ta bắt đầu đi vào Stress, căng thẳng. Còn nếu vùng não của cái lưng mà nó phản ánh đúng cái lưng, an trú đúng cái lưng thì nó trở nên nhẹ nhàng, bình yên. Đây là mấu chốt phải hiểu được chỗ này mới hiểu sâu hơn nữa vào Thiền từ từ.
Nói lại, một ví dụ khác. Ví dụ như một người canh trước Chánh Điện, họ ngồi đó, biết hết mọi vấn đề từ hồi nào tới giờ rồi, như là cửa trên có mấy phần, cửa dưới có mấy phân, ai đi ra đi vô đều biết hết. Nhưng bây giờ họ ngồi đó mà không cho họ canh Chánh Điện nữa, bắt họ ngồi đó tính toán kế toán của chùa, thì lúc đó họ phải mệt hơn. Còn bây giờ không tính toán, cho họ về đứng yên đó trở lại làm công việc đúng chức năng thì họ thoải mái, bình yên lại liền.
Từng vùng não phản ánh mọi điểm trên toàn thân chúng ta, đó là mấu chốt làm cho mình định hay động. Vì thế, khi ngồi thiền mà ta an trú toàn thân, ta không nghĩ chuyện khác nữa, có nghĩa là cái vỏ não bình yên. Nó trở lại trạng thái tự nhiên của nó. Đó là bước thứ nhất để đi về phía thư giãn chứ Thầy chưa nói định. Đó là lý do tại sao ngày xưa Đức Phật bảo ta là phải cảm giác toàn thân, là để cho vỏ não trở lại đúng chức năng từng vùng của nó. Đó là công thức bí mật vô cùng. Bây giờ ta mới thấy sợ Đức Phật. Thời đó Đức Phật không thể giải thích vì khoa sinh lý học của não chưa ra đời. Nên Đức Phật dậy ta rất kỹ về điều này mà không giải thích. Đến hàng ngàn năm sau cũng không ai giải thích được. Rồi người ta bỏ luôn cái thân, vì cứ nghĩ tu tâm là nắm tâm mà tu, không ngờ rằng thân chính là gốc của tâm.
Sự thật, khi tu hầu như không ai an trú toàn thân cho kỹ mà luôn luôn bị rời khỏi thân. Rất nhiều lần tâm ta bị rời khỏi thân. Có 3 lý do khiến tâm bị rời khỏi thân:
- Vọng tưởng kéo ta đi, hễ động tâm là rời khỏi thân liền. Nguyên nhân này người mới tu thường hay bị.
- Khi tâm ta bắt đầu yên, rỗng sáng làm cho ta thích thú, ta chiêm ngưỡng, ngắm và an trú trong đó, ta cũng bị rời khỏi thân. Người tu tốt cũng dễ bị mất cái thân, mà mất thân là mất cái gốc, rồi sẽ bị loạn trở lại. Nguyên nhân thứ hai này người tu lâu thường bị mắc phải, khi gặp trạng thái rỗng sáng, thích thú là bỏ thân để an trú trong đó. Mà trạng thái đó nằm trên đầu. Vì thế lâu dần lực sẽ từ từ chạy lên đầu gây Tẩu hỏa nhập ma, điên loạn.
- Do ta không xác định vững lập trường phải an trú toàn thân. Ta còn mơ hồ về công phu là phải an trú toàn thân, tức là tâm ta lúc nào cũng phải an trú trên da của ta, không rời khỏi da. Ta không xác định lập trường rõ ràng nên bất cứ chuyện gì cũng làm cho ta không an trú toàn thân đầy đủ, vững chắc, rõ ràng, đầy đủ. Cho nên nói biết rõ toàn thân thì cũng chỉ biết hơi hơi thôi. Tâm vẫn bị để ý chỗ này, chỗ kia nên không an trú tòan thân một cách vững chắc, rõ ràng. Nhưng đừng chặt chẽ vì chặt chẽ thành ra dằn ép, nghĩa là phải thật nhẹ nhàng nhưng kỹ lưỡng.
Câu 3: Khi nào vọng tưởng khởi lên ta phải làm gì?
Chỉ cần trở lại an trú toàn thân, chỉ như vậy, đơn giản vậy thôi. Thật ra, ta biết được vọng tưởng để trở lại an trú toàn thân là ta đã có phước rồi nên mới sực nhớ là ta đang bị vọng tưởng để mà trở lại an trú. Còn ta không có phước thì sao? – Ta cứ đi mãi đi mãi. Nên chỗ này là nhờ cái phước mà ta gây tạo từ đời xưa cho đến đời này, ta cẩn thận từng chút một trong ý nghĩ, trong đời sống, mà đến khi vọng tưởng khởi lên ta sực nhớ mà nhớ rồi thì bắt đầu mỗi pháp môn đi theo pháp môn của mình. Người niệm Phật thì quay lại niệm Phật, người tri vọng quay lại tri vọng, hơi thở quay lại hơi thở, thoại đầu quay lại thoại đầu. Mình thì quay lại an trú toàn thân.
Khi ta an trú toàn thân đúng rồi, ta sẽ thấy một điều tự nhiên thế này ( điều này khí công gợi ý cho ta) ta từ từ an trú nhiều ở nơi vùng da bụng. Nhưng vùng da bụng không phải là tất cả mà chỉ giống như là một sự chữa trị cho ta, lâu nay ta cứ để tâm trên đầu, mắt nhìn theo sắc, tai theo tiêng, mũi đắm theo hương, đầu ta chạy ra ngoài theo ngoại cảnh. Cho nên ta an trú toàn thân một thời gian thì từ từ ta an trú phần da bụng. Khi có kết quả Thiền định thì ta lại an trú toàn thân. Nhưng ban đầu, cái tự nhiên cả ta thường là an trú nơi bụng. Vì thế, lúc đầu ta tập khí công là để gợi ý điều đó. Khi mà tự nhiên cũng đạt như vậy.
Ta an trú toàn thân sẽ hết vọng tưởng. Đây là điểm khác nhau của ta và các pháp môn khác. Thân là gốc của tâm. Khi ta an trú thì thân sẽ rỗng suốt, nhẹ nhàng.
Câu 4: Tại sao phải biết thân vô thường và biết sâu xa, biết cho tới khi mà xương sau này sẽ tan thành bụi bay mất?
Khi ta biết toàn thân thì não ta bình an lại, thư giãn lại, nhẹ nhàng lại. Nhưng thẳm sâu bên trong thì những bản năng vẫn còn nguyên vẹn. Bản năng là những ham muốn của thân, những khát vọng của cuộc sống, những cái cố chấp của tâm nó tiềm tàng là do ta chấp thân. Vì khi ta biết thân thư giãn rồi nhưng ta vẫn quý cái thân thì toàn bộ cái chấp vẫn tồn tại và phát triển. Khi biết rõ toàn thân có thể làm ta quý cái thân này. Và đây chính là chỗ khác nhau giữa đạo Phật và ngoại đạo. Ngoại đạo tu, họ cũng biết thân. Họ biết cái luân xa này, cái luân xa kia để khai mở từng luân xa nhằm đạt được quyền năng, vì vậy họ quý thân. Ngang chỗ này là phân biệt ra đạo Phật với ngoại đạo liền. Tại sao khác nhau giữa Thiền và Yoga, khí công của ngoại đạo. Cũng là chỗ này. Ta biết thân, ta quý thân, ta biết huyệt này huyệt kia, ta trở thành ngoại đạo. Ta biết thân nhưng biết thân này là vô thường thì lần lần ta phá tan hêt những bản năng, những cố chấp trong thẳm sâu, trong tâm hồn mình, trong cuộc đời mình luôn.
Ví dự như thế này, Thầy nói một cái ngặt nghèo nhất của người tu là vấn đề ái dục. Ái dục nó là bản năng tự nhiên. Nó mãnh liệt ghê lắm, không có gì cản lại được. Nhưng nếu ta ngồi Thiền ta thấy thân vô thường thời gian dài dài… thì những cái đó mất. Bắt đầu ta mới thấy được cái như Đức Phật nói là ví dụ như một người nam nhìn một người con gái đẹp, ta không hề quán họ là vô thường, không hề quán họ là bất tịnh, không cần, ta chỉ quán chính ta. Ta chỉ quán chính ta là vô thường. Nhưng bây giờ người con gái đẹp xuất hiện là mìn nhìn ra: người này đẹp như thế nhưng rồi nhan sắc họ sẽ tàn phai, tánh tình họ sẽ thay đổi, họ nhăn nheo, già nua. Ngày hôm nay thấy vậy ngày hôm sau nhìn khác. Hôm nay nhìn thấy người dịu dàng, bóng áo nâu in trên đường trăng, nhưng ngày mai nhìn thành ác quỷ không hay. Mọi chuyện trên đời là vô thường, thay đổi.
Mà nhìn cái đó xuất hiện chính là do ta quán thân vô thường, khi cái bản năng của ham muốn hết thì mình nhìn vấn đề ra rất là rõ và nhìn trùng hợp như Đức Phật đã dạy trong kinh. Nên cái quán thân vô thường lâu ngày nó phá dần các bản năng của ta hết. Và trong cái không chấp thân đó sẽ mở ra những cánh cửa trí tuệ, đi sâu vào tâm thức, phá những thói hư tật xấu, những bản ngã của ta. Những cái ngày xưa ta tham bây giờ hết tham, những cái ngày xưa ta sân bây giờ hết sân. Rất là vi diệu. Cho nên Thầy nói bước thứ nhất mà biết rõ toàn thân làm cho não chúng ta trở lại đúng chức năng, thư giãn.
Và nếu ta không thấy thân vô thường, ta quý thân thì những bản năng tiềm tàng vẫn nằm trong đó. Tuy thư giãn mà trong người đầy tham muốn thì vẫn ẩn chứa một sự sa đọa dữ dội về sau. Còn ta biết rõ toàn thân, rồi biết thân vô thường thì nó mất dần và hết luôn. Mà cái biết toàn thân luôn đi đôi với thân vô thường. Biết vô thường là biết đến mức độ nào? – Là biết tới khi thấy xương tan thành bột bay đi mất luôn. Luôn luôn phải biết cho tới cái đó, chứ không được biết một cách cạn cợt. Biết như vậy mới phá được cái chấp sâu thẳm trong bản năng ta được. Khi mới bắt đầu, ta phải mất vài phút để quán cho thật kỹ nhưng sau này, chỉ thoáng một sát na thôi là sẽ thấy suốt quá trình đó liền.
Câu 5: Tại sao biết hơi thở mà không điều khiển?
( Bài trả lời ba câu hỏi tại sao?)
Khi thần kinh thở được hưng phấn thì những vùng thần kinh não khác tự nhiên đi vào ức chế. Nghĩa là khi ta chú ý thở tự nhiện thì não không động tâm vì những chuyện khác, tự nhiên nó vào định. Ngành y học và thần kinh não đã phát hiện ra điều đó, rất phù hợp với Thiền cùa đạo Phật, cũng như với Yoga và khí công của Trung Hoa. Nhưng Yoga của Ấn Độ và khí công của Trung Hoa đều thua Thiền của đạo Phật ở chỗ là Thiền của Đạo Phật chỉ biết hơi thở mà không điều khiển.
Hơi thở phản ánh hoạt động của tâm thức. Ví dụ như ta động tâm những vấn đề bình thường thì hơi thở nó sẽ thở như thế. Ta căng thẳng tập trung thì hơi thở nó sẽ mạnh như thế, nếu ta có thêm cảm xúc, sợ hãi, thương ghét, hơi thỏ sẽ càng thấy rõ hơn nữa. Tức là mọi hoạt động của tâm thức được biểu hiện qua hơi thở. Vì vậy, khi ta biết hơi thở tức là ta biết hoạt động tâm thức ta. Ta không cân nhìn trực tiếp vào tâm ta đang vui hay đang buồn mà chỉ cần biết hơi thở ra vào thế nào là ta đang biết tâm của ta. Khi thở nhẹ nhàng, bíết tâm đang yên dần, khi hơi thở mạnh, biết tâm đang động.
Bây giờ nói ta thấy hơi thở mạnh nên kìm lại cho tâm êm lại, được không? Đó chỉ là cách chữa trên ngọn. Giống như nói tay mình thiếu đường chỉ này nên nghèo, lấy dao cắt một cái cho nó giầu vậy. Cho nên, hơi thở là biểu hiện của tâm, nhưng không phải là ta ép, điều khiển hơi thở mà làm tâm hết vọng tưởng. Đúng là kiềm chế hơi thở thì tâm yên, nhưng một nguy cơ thứ hai phát sinh, đó là sự tăng trưởng bản ngã. Cái ý điều khiển hơi thở sẽ làm tăng trưởng ngã chấp. Nên người mà ta thấy họ tu điều khiển hơi thở trong khí công hay Yoga ta thấy bản ngã họ tăng lên dần dần.
Còn những người khi thấy hơi thở mạnh, liền biết tâm mình động. Chỉ cái biết đó thôi là như đã sám hối rồi, nên chỉ lát sau hơi thở tự dịu lại, ta không điều khiển. Như vậy, tâm thức cũng giảm động mà không tăng trưởng bản ngã. Cái ưu việt của việc biết mà không điều khiẻn hơi thở là làm tâm thức lắng xuống mà không làm tăng trưởng bản ngã. Mấu chốt nằm ở chỗ này. Đó chính là lý do mà tại sao Phật dậy ta: “Hơi thở dài biết dài, hơi thở ngắn biết ngắn, hơi thở ít biết hơi thở ít, hơi thở nhiều biết hơi thở nhiều”. Chỉ cái biết đó thôi là đã điều chỉnh được tâm thức, còn nếu ta điều khiển, bản ngã tăng trưởng dần dần liền.
Những điều sâu xa trong việc tu tập như thế này là ưu việt của đạo Phật. Chúng ta may mắn được làm đệ tử của Đức Phật, có nói thế nào cũng không bày tỏ được hết lòng biết ơn của chúng ta với Đức Phật.
Qua một thời gian tu tập thì ta được rỗng suốt từ thân tới tâm. Lúc đó, những vọng tưởng manh nha thì ta biết hết. Tới chỗ này mới biết được cái tri vọng của Hòa thượng Thanh Từ. Mỗi pháp môn giao nhau ở chỗ tri vọng. Tu đúng rồi vọng tưởng khởi biết liền. Nhưng dù biết vọng tưởng rồi, nhớ đừng rời khỏi thân vì lúc đó nó nhử ta.
Khi công phu của ta vững rồi, rỗng suốt rồi thì ta sẽ bị hai nhược điểm là lúc đó mình rời khỏi thân mình để chiêm ngưỡng sự rỗng rang đó. Lúc đó ta rời khỏi cái thân là ta vi phạm nguyên tắc căn bản thứ nhất. Nghĩa là sao? Là não của ta lúc đó không còn an trú đúng chỗ của nó nữa. ta nhì cái rỗng, không để ý cái thân nữa, bắt đầu sai.
Cái thứ hai nữa là ta thích thú, ta quan sát cái vọng tưởng vì nó nhớm nhớm rồi tan biết liền làm ta rất thích thú cái công phu đó. Vọng tưởng tế vừa mới phát triển, ta thấy là phải buông liền. lúc đó ta không rời thân để nhìn tâm. Nó sẽ dụ ta nên hãy nhớ là nhiều lúc xuất hiện trạng thái rỗng suốt rồi những vọng tưởng vi tế xuất hiện, ta thấy, ta phát hiện ngay từ đầu thì chớ dại mà bỏ thân mình. Tiếp tục biết rõ toàn thân, biết thân vô thường, biết hơi thở vào ra mà không điều khiển. Cứ như vậy mà đi, giống như mũi thuyền phía trước nhưng mình điều khiển thuyền thì mình cầm cái bánh lái đằng sau. Đừng thấy mũi thuyền đi phía trước qua những thác những ghềnh, những qua bãi hoa đẹp thì ta đi điều khiển mũi thuyền. Ta ta có biến chuyển qua bao nhiêu trạng thái thì kệ nó, ta chỉ cần biết thân. Biết thân vô thường, biết hơi thỏ vào ra mà không điều khiển.
Hôm nay, thầy trả lời câu này, cũng là nâng cấp lý luận rất lớn về công phu tu tập Thiền của chùa ta cho đại chúng hiểu như vậy.
( Bài trả lời bẩy câu hỏi về Thiền)
Khi ta an trú toàn thân thì ta còn hơi chấp thân, khi ta biết thân vô thường thì trong thẳm sâu của thân ta tự nhiên buông lỏng, buông chấp ra là nhẹ liền. An trú thân là an trú tâm rồi, nhưng mà mình biết thân vô thường thì mức an trú sâu hơn, làm ta lỏng tâm ra liền. Khi tâm bắt đầu thanh thảnh thì ta thấy hơi thở vào hơi thở ra. Lúc này khi biết hơi thở rồi thì luôn luôn tự nhiên nó phải điều khiển. Đó là bệnh tự nhiên của chúng sinh, khi điều khiển hơi thở thì ý chí tăng lên và bản ngã cũng tăng lên. Người tu tập nhiều mà có điều khiển hơi thở thì sinh ra nóng nẩy. Vì vậy, ta thấy hơi thở nhưng không điều khiển. Nhưng nếu chỉ biết hơi thở thôi là một sai lầm. Đây là cái sai của rất nhiều bậc đạo sư trên thế giới. Khi ta thấy hơi thở hiện ra và ta chỉ còn biết có một hơi thở mà quên mất cái thân, ta sai liền. Nói gì thì nói, ta vẫn có điều khiển, mà muốn không điều khiển thì phải biết rõ toàn thân, biết thân vô thường, trong đó có biết hơi thở thì lúc đó ta mới biết hơi thở vào ra một cách thanh thản, tự nhiên mà không điều khiển.
Câu 6: Trong đời sống hàng ngày nếu phải lao tác, sắp xếp, tính toán thì phải dụng công thế nào?
Nhiều người trả lời trật câu này, cứ tưởng trong đời sống ta phải làm phước hay đạo đức. Đó là căn bản của Thiền, không cần nói lại.
Bây giờ mọi người nhìn Thầy, hướng về Thầy thì tâm hướng về đâu? Tất nhiên là hướng về Thầy, nhưng mọi người phải để lại một cái tâm ở nơi cái thân cho Thầy, nhẹ nhàng biết là đang giữ tâm lại ở thân. Khi mình bước vào làm việc, hoặc nghe người ta nói chuyện, tai vẫn nghe, miệng vẫn nói chuyện nhưng vẫn có cái tâm ở lại nơi thân mình.
Trong đời sống hàng ngày, ta phải dụng công như thế. Trong sổ nhật trình, ta ghi ngày hôm nay, trong khi làm việc mình đã ở lại với thân mình được nhiều hay ít hay luôn luôn bị mất, bị gián đoạn, bị hoàn cảnh lôi kéo, tác động. Làm sao mà suốt ngày, khi ăn cơm, khi nói chuyện mình vẫn giữ được một cái tâm nơi thân cho mình. Còn khi không có việc gì hết thì sao? Thì an trú thân hoàn toàn, thanh thản. Và luôn biết thân vô thường, hễ biết toàn thân là phải biết thân vô thường. Nếu công việc căng thẳng thì có một cái tâm biết thân. Nếu công việc không căng thẳng thì thêm ý niệm thân vô thường, còn nếu không có công việc thì hơi thở hiện ra luôn, giống như lúc ngồi thiền. Khi ngủ cũng như vậy. Trước khi ngủ ta có vài tâm nguyện gì đó tùy mỗi người rồi an trú thân và thấy hơi thở vào ra không điều khiển.
Câu 7: Kết quả Thiền định bắt đầu từ đâu?
Kết quả bắt đầu từ đâu. Mà sự thật do tâm, tâm an đến mức độ nào đó thì kết quả hiện ra nơi thân. Ở câu này, ai tu tới đây thì sẽ biết, sau đó nói Thầy nghe. Thầy không nói. Ta nghe người nào nói họ tu Thiền đạt tâm thế này thế kia mà không nói về kết quả của thân, ta biết người này đi lạc hướng, không có căn bản.
THÍCH CHÂN QUANG (Phật Quang)
----------- Hết nội dung trích dẫn -----------
Đúc kết lại:
- Phải biết toàn thân, để tâm an trú ở thân
- Không nên biết thêm về các luân xa (bởi dễ làm tăng bản ngã, trong khi mình cần quán thân vô thường)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment