Friday, April 12, 2013

Tranh giành cuộc sống

Theo dõi bài thuyết pháp: Youtube -- Lưu trữ

(Địa điểm: Chùa Khánh Long, Nông Cống, Thanh Hóa)

Những câu hỏi nhiều khi chúng ta thắc mắc mà không nói lên thành lời:
- Sau khi chết chúng ta đi về đâu?
- Trước khi sinh ra đây chúng ta từ đâu đến?

Có ai nghĩ rằng sau khi chết là mất hết không? Nếu có nghĩ như vậy chắc là chúng ta không bao giờ thờ bố mẹ, ông bà mình. Trái lại, mình vẫn nghĩ có một cái gì đó sau cái chết này. Mà nếu vậy, thì trước khi sinh ra ta từ đâu đến? Đây là những câu hỏi mà trong thẳm sâu tâm hồn chúng ta ai cũng ray rứt, băn khoăn. Và chính vì những ray rứt băn khoăn này, chính vì tìm câu trả lời cho những câu hỏi này mà rất nhiều đạo giáo / tôn giáo đã xuất hiện. Mỗi tôn giáo có một cách trả lời của mình, mà ta chẳng biết tôn giáo nào đúng, tôn giáo nào sai.  Lựa chọn của ta là do tùy duyên: có khi chọn tôn giáo này vì thỏa mãn câu trả lời này, có khi chọn đạo kia vì thỏa mãn câu trả lời kia. Mà thậm chí, có người không biết đâu mà theo nên thấy có ông truyền đạo như thế nên theo; nên không được chọn lựa, và ta chọn đại một đạo nào đó để theo, để cho có chỗ dựa tinh thần, mà để tạm thời ta có câu trả lời rằng "chết rồi ta sẽ có một chỗ để đi về" hoặc "trước khi sinh ra, thực sự ta có một nơi nào đó để từ đó ta đến đây". Ta tạm thỏa mãn với những câu trả lời như vậy và tạm yên tâm để sống tiếp, với hi vọng rằng: tôn giáo đó, đạo giáo đó dạy ta ăn hiền ở lành, để sau khi chết - từ bỏ cõi đời này - ta về một nơi rất an vui, rất là hạnh phúc. Tức là ta được phần thưởng sau cuộc sống này. 

Tuy nhiên, sau khi đào sâu vào các tôn giáo rồi, ta bắt đầu thấy có sự sai khác. Trong phần thuyết pháp này, chúng ta không tập trung vào sự sai khác, bởi có khi lại gây chia rẽ; trong khi chúng ta đang cần sự đoàn kết. Đạo nào cũng dạy "ăn hiền ở lành" - đây cũng chính là điều lôi cuốn con người ta đến với một tôn giáo / đạo giáo nào đó, nhưng đi sâu vào thì khác ở phía sau - chính là trả lời câu hỏi "đưa ta đi về đâu" mới là quan trọng. Sau khi nói với chúng ta về "ăn hiền ở lành" thì đạo giáo đó có dạy chúng ta "hiếu kính với cha mẹ ông bà mình" nữa hay không? Hay là khi ta theo đạo họ rồi thì đạo họ là nhất và ta không cần hiếu kính với ông bà cha mẹ mình nữa. Hoặc là đi sâu vào rồi thì đạo đó có dậy cho chúng ta yêu nước nữa hay không? Hay là đạo nói rằng chỉ cần yêu đạo thôi, tin đạo là đủ rồi và không cần yêu nước nữa? Nhưng có những đạo thì khi đi sâu vào vẫn dạy chúng ta vừa yêu đạo, vừa yêu nước. Có đạo thì khi đi sâu vào rồi thì dạy người ta khủng bố; nhưng có những  đạo thì dậy người ta cách phát triển tâm linh, tìm sự giác ngộ của nội tâm; ta từng bước Thánh hóa tâm hồn của mình lên, ta không còn là con người tầm thường nữa; mà từng bước ta càng tốt hơn, giỏi hơn, sáng hơn, trí tuệ đạo đức nhiều hơn. Bởi vậy, từ con người phàm phu ta trở thành một bậc Thánh thật sự. 

Bởi vậy, chúng ta khi gặp một đạo nào đó thì dù người ta có dậy "ăn hiền ở lành" thì chớ vội tin, mà phải tìm hiểu xem đoạn sau người ta dậy mình cái gì. 

Trong đạo Phật thì con đường đi thênh thang, cứ càng đi sâu vào thì chân lý, đạo lý càng mở ra đến vô tận; mà không bao giờ một kiếp người có thể hiểu hết được đạo Phật. Đạo Phật thâm sâu, vi diệu như vậy nên các nhà trí thức hàng đầu trên thế giới, sau khi mà họ đi hết con đường khoa học của họ thì họ đi tìm tới tôn giáo thì họ dừng chân nơi đạo Phật, bởi đạo Phật mở ra cho họ con đường tâm linh trí tuệ không cùng không tận. Nếu ta hiểu điều này thì muốn đi theo Phật ta phải đi hàng trăm, hàng ngàn kiếp. Bởi vậy, với một người hiểu đạo Phật là thâm sâu rồi, khi quỳ xuống lạy Phật rồi là ta lạy với tất cả trái tim tôn kính của mình bởi trí tuệ của Phật đã quá bao la, sâu xa và màu nhiệm; chứ không phải là chỉ bằng vài lời nói dựa vào niềm tin đơn sơ. Người càng có tri thức, trí tuệ chừng nào thì lại càng yêu quý, tôn kính đạo Phật chừng ấy. 

Điều may mắn cho đất nước ta là đạo Phật đã đến đây hơn hai nghìn năm. Các vị vua của ta, bằng trí tuệ của mình đã chọn đạo Phật như là một quốc đạo. Nhân dân ta cũng vì thế mà lấy đạo Phật làm lẽ sống cho cuộc đời mình. Chúng ta có một đất nước Việt Nam kiên cường, bất khuất. 

Nhân đại lễ 1000 năm Thăng Long, chúng ta nói thêm một chút về lịch sử. Vua Lý Thái Tổ là từ chùa đi ra. Ngài tu trong chùa nhưng có tướng đế vương, học hành tài năng phi thường nên thầy của Ngài là nhà sư Vạn Hạnh, mặc dù là một Thiền sư đắc đạo nhưng lại không cho Ngài xuất gia, mà bắt Ngài phải đi ra làm quan. Rồi Ngài thăng tiến và trở thành vị vua đầu tiên do quần thần bầu chọn mà không phải do nhường ngôi, cướp ngôi. Trong thời đại đó, từ vua đến quan đều rất yêu kính đạo Phật. Tuy nhiên, đạo Phật có một đặc điểm rất hay, tư tưởng trong đạo Phật không đem lại một sự cực đoan, độc tôn: Những người yêu kính đạo Phật nhất lại không bao giờ cho rằng chỉ có đạo Phật mới là nhất. Đây là chính là điều hay ở đạo Phật mà ta khó tìm ở các tôn giáo khác. Đạo Phật có sẵn tư tưởng hòa bình, bao dung, độ lượng. 

------------------

Trong thiên nhiên, mạnh được yếu thua. Cái hiển nhiên này nó khắc nghiệt, nó ác độc. Người biết đạo thì không muốn như vậy, ta không muốn vì sự sống của mình mà tranh giành sự sống của loài khác. 
Ta xác định 3 mục đích sống:

- Mang lại lợi ích yên vui cho con người
Mang lại lợi ích yên vui cho muôn loài
- Mang lại sự bền vững cho môi trường của trái đất
(- Mục tiêu cao xa hơn là giác ngộ, giải thoát)
Có nhiều người chưa thể ăn chay, vẫn phải ăn thịt ăn cá nhưng biết là mình đang vay mượn cuộc sống của các loài khác; thì phải biết đi làm việc lợi ích cho cộng đồng, đồng loại.


Ta lựa chọn sự ăn uống làm sao để ít chiếm đoạt sự sống của loài khác:
- Lúa: sau khi ra hạt rồi, tự cây cũng chết, hạt lúa là thành quả cuối cùng của cây lúa. Cánh đồng lúa thì bát ngát màu xanh cho trái đất
- Trái cây: cây ra quả, ta không hái quả thì quả cũng tự rụng, mà hái quả thì cái cây cũng không bị chết. Ta ăn trái cây thì chỉ hưởng thành quả.
- Sữa: Bò sữa nuôi riêng, không cần phải có bê mà bò vẫn có sữa
- Trứng gà: Con gà mái khi đến tuổi thì tự nó để trứng, mà nếu không có gà trống thì quả trứng cũng không nở được thành gà con.
- Mật ong: có sự tước đoạt, bởi ta phải đuổi ong khỏi cái tổ để cướp cái tổ mà lấy mật. 
- Rau: có phá sự sống một chút vì cây đang non.
- Con cá chết trôi vào bờ, con thú chết vì lý do nào đó: có ăn cũng không có tội

Cướp, trộm, lừa đảo là những hành động chiếm đoạt của người khác.

Sòng bài là một tệ nạn. Vì sao người ta thích đánh bài? Vì trong chớp mắt nếu thắng thì có thể đoạt rất nhiều tiền của người khác làm tiền của mình.

Phá rừng: là cướp đoạt sự sống của cả nhân loại. 

Người chủ bóc lột người làm công: cũng là cướp đoạt công sức của người làm công. Trong tinh thần từ bi của đạo Phật, nếu người chủ là đệ tử Phật thuần thành thì người chủ không vơ vét lợi nhuận; người chủ yêu thương nhân viên của mình. 

Ta học đạo lý yêu thương: yêu thương từng con người, loài vật, cái cây ngọn cỏ. Để tu hành, chưa cần đạo lý cao siêu nào, mà nếu lòng ta tràn ngập yêu thương (đến tận ngọn cỏ, cái cây) thì khi chết đi ta sẽ về cõi Thánh, cõi Phật.

Người có bổn phận thì yêu thương còn là trách nhiệm thiêng liêng hơn nữa: cán bộ yêu thương người dân; cha mẹ thương yêu con cái; người chủ yêu thương nhân viên v.v.

Khi đó, dù ta chưa từ bỏ thế giới này thì thế giới này đã tràn ngập yêu thương.

Người nghiện là người ích kỷ, chỉ biết đến bản thân. 

Hễ ta sống trên đời thì vô tình đã tranh giành sự sống của người khác. Bởi vậy ta phải làm gì để tất cả cùng có lợi; mang lại sự sống cho muôn loài để bù lại những gì ta đã thụ hưởng.  Vậy ta phải sống để làm gì? Sống để không uổng phí, không làm tổn hại muôn loài, nhưng ta còn một mục đích tối cao nữa: Sống để giác ngộ tâm linh - giải thoát.

Giác ngộ tâm linh là gì? Muốn đạt được mục đích gì thì ta phải hiểu. Chính vì không hiểu nên nhiều người đi sai, đi lạc. Chính vì khó nên mới phân biệt người có và không có Thiện căn. 

Sống để đi tìm tâm linh giác ngộ. Dù chúng ta chưa hiểu tâm linh giác ngộ là gì nhưng chúng ta vẫn đi tìm vì chúng ta có đức Phật từ bi trí tuệ. 

Ta phải đi qua nhiều giai đoạn
- Sống có ích cho gia đình, cho xã hội (để tạo công đức)
- Khi có công đức rồi thì không hưởng (mà chuyển thành sự an định trong Thiền định)
- Đi bằng tâm linh giác ngộ này ta sẽ tìm được tâm linh giác ngộ cuối cùng



---
Lưu ý

No comments:

Post a Comment