Saturday, March 30, 2013

Phật ở trong tâm?

Theo dõi bài thuyết pháp: Youtube - Lưu trữ

Ta hay nghe nói "Phật ở trong tâm", nhưng liệu có phải như thế không?

Sự thật, Phật ở trong Niết Bàn. Vậy, Niết Bàn ở đâu? (dần dần câu hỏi sẽ trả lời)

Cảm giác của chúng ta khi nghe "Phật ở trong tâm" thì thấy có vẻ cũng đúng, mà có vẻ có gì cũng chưa đúng.

Phật mênh mông, vĩ đại; trong khi tâm mình nhỏ bé, tầm thường, đầy phiền não sân si. Bởi vậy, Phật không thể ở trong tâm được. Nhưng trong câu chuyện mà Ni sư an ủi một người khi người này thấy ray rứt vì không có điều kiện lễ Phật hàng ngày thì có vẻ Phật ở khắp chốn, ở mọi nơi, cho nên Phật cũng ở trong tâm mình được.

Nếu nói Phật ở trong tâm mà không quan tâm Thánh tượng bên ngoài, sống mà không có cung kính đúng mức thì sẽ mang tội.

Câu "Phật ở trong tâm" phải được hiểu như sau mới là chánh kiến: Khi trong tâm ta có lòng thành kính thì Phật chứng giám. Ví dụ: có người chưa thể ăn chay, nhưng trong lòng họ có lòng kính Phật thì Phật vẫn chứng. Nhưng nếu người khác dù ăn chay nhưng trong lòng không có lòng thành kính thì Phật cũng không chứng. Trường hợp, có cô gái mặc đồ bi-ki-ni vào lễ Phật thì Phật cũng không chứng, bởi đã có lòng thành kính Phật thì phải mặc đồ cho phù hợp. Nhưng trong hoàn cảnh có người gặp nạn, ai đó dù đang mặc đồ tắm nhưng trong lòng tưởng Phật để xin cho người thoát nạn thì Phật cũng chứng.

Nếu trong tâm ta có sự thành kính, ở bất cứ đâu Phật cũng chứng cho ta, giữa ta với Phật có sự cảm ứng; khi đó tâm ta dần khai mở, những ý tưởng tốt cứ tuôn trào vào tâm ta, dẫn dắt cuộc đời ta vào chỗ tốt đẹp hơn, dần đưa ta tới chỗ giác ngộ.

Nếu nói "Phật ở trong tâm" mà trong ta không có lòng thành kính, thì ta sinh kiêu mạn, nghĩ sai, nói sai, làm sai, cuộc đời đi vào tăm tối.

Một người Phật tử hiểu được giáo lý sâu sa, thì sự thành kính Phật chất ngất thì đi đâu làm gì cũng được Phật chứng giám. Nhưng để đạt được mức độ đó thì không dể, còn đa số chúng ta lúc được lúc mất sự chứng giám của Phật. Không phải ai cũng đủ trí tuệ để đọc kinh Phật mà hiểu và từ đó kính Phật. 

Sự kính Phật qua giáo lý (Tứ diệu đế, Bát chính đạo, 12 nhân duyên, Bát nhã, v.v.) chính là sự kính phục thực sự sâu sắc; thời xưa mọi người kính Phật như thế nào thì nay ta cũng có thể kính Phật như vậy, còn thời nay thì ta không được ở gần Phật để có thể kính Phật qua dung nhan, qua thần thông như người thời xưa - đây cũng là thiệt thòi của chúng ta trong thời ngày nay khi đã cách xa Phật.

Tuy nhiên, làm sao để có thể thành kính Phật một cách đầy đủ? Ta chỉ có một con đường là phải hiểu đạo lý sâu sắc: thứ nhất là học trong sách vở, băng đĩa; thứ hai là thực hành. Thực hành thì mới sâu sắc, còn chỉ hiểu không thôi thì vẫn còn rất cạn. Ví dụ về tâm từ bi, chi khi nào ta thực hành 5 năm, 10 năm, 20 năm khi tâm từ bi ta khởi lên một cách tự nhiên và đầy ắp thì ta mới thấy rõ được cái đẹp của đạo lý này, lúc này lòng tôn kính Phật của ta sẽ tuôn trào và chất ngất.

Vậy tượng Phật là gì? Phật có ở nơi tượng Phật không?
Tượng Phật là biểu tượng để cho ta nhớ về Phật, hướng về Phật. Phật đã nhập Niết Bàn, nhưng Niết Bàn vô hình, vô tướng; để ta tưởng nhớ về Phật thì ta cần tượng Phật để hướng về; ta cũng thành kính tuyệt đối, nhưng không chấp. Nghĩa là thế nào? Ví dụ, có tượng Phật đã quá lâu, quá cũ mà bị hỏng thì ta cũng đừng có buồn. Ta nương nơi tượng Phật để ta đặt lòng tôn kính lên đức Phật, nhưng ta không chấp. Bởi theo luật Vô thường thì tượng Phật sẽ có lúc hư hoại, tượng hư hoại nhưng Phật không hư hoại. Lỡ mà tượng bị hỏng thì ta làm tượng khác. Có câu chuyện về thầy Minh Phát ở chùa Ứng Quang, tượng cũ đã xấu quá thì thầy đặt làm tượng mới, có người xin đem tượng cũ về cất, thế là thầy đem tượng cũ ra đập sạch sẽ. Đây chính là ví dụ minh họa cho ý trên. 

Có cần thiết mỗi lần cúi lạy Phật thì phải ngước nhìn Phật không? Không cần, mình cúi lạy Phật với lòng cung kính là được rồi. Chỉ cần ta cúi lạy Phật thôi đã có nhiều công đức lắm rồi, bởi đây là nền tảng. Có những bệnh là nghiệp thì thuốc không chữa được, khi đó chỉ có sám hối. 

Ví dụ có người ở nước ngoài, thỉnh thoảng người cứ run sợ. Đây là bệnh do nghiệp, do đời xưa là người có uy quyền, làm gì cũng muốn người dưới phải sợ mình mới hài lòng, dần dần thành nghiệp. Thầy khuyên đi lạy Phật, sám hối những tội xưa.

Lạy Phật nhiều mà chưa giàu là vì sao? Muốn giàu thì phải làm Phước. Hãy cứ lạy Phật, xin cho con có cơ hội giúp người, giúp đời. Ví dụ sau khi nguyện như vậy và vừa ra khỏi chùa thì gặp bà cụ bị ngã, (đây chính là cơ hội Phật cho để làm Phước mà không cần tiền) lúc này không phải lúc cho bà tiền mà phải đưa bà vào trạm xá bệnh viện. Thấy đinh rải trên đường thì phải xuống nhặt, dần dần sẽ thành Phước. Ta làm từng chút vậy thì vài năm sau ta gặp may mắn, tiền vào túi, lúc này ta phải làm gì? Có tiền rồi thì phải dúng dường bố thí. 

Niệm Phật là gì? Là nhớ Phật. Có 2 cách nhớ Phật: một là, kêu tên Phật; hai là, thực hành lời Phật dạy. Ví dụ: Gia đình có 2 người con, một người tối ngày gọi tên bố mẹ suốt ngày, người kia làm theo lời Phật dạy, vậy bố mẹ thương ai hơn.

Phật dạy: Ngồi kiết già, rồi quán:
Thân này không phải ta
Tâm này không phải ta
Chẳng có gì là ta
***
Trong từng hơi thở vào
Trong từng hơi thở ra
Trọn niềm tôn kính Phật

Nói "Phật ở trong tâm" thì ta phải thực hành lời Phật dạy, muốn vậy phải hiểu sâu sắc lời Phật dạy. 

Như vậy thì Phật pháp sẽ hưng thịnh, bởi để làm theo lời Phật dậy thì phải có trí tuệ, khi đó chùa sẽ thu hút người nam, người trẻ, bởi họ sẽ bị cuốn hút bởi tính trí tuệ của Đạo Phật. Phải tu sao để người ta thấy có trí tuệ. Từ lâu nay ta triển khai đạo Phật theo cách không cần trí tuệ - mà chỉ cần niềm tin; trong khi đạo Phật là đạo của trí tuệ.

Chữ Nho:
Năng lễ sở lễ tánh không tịch
Cảm ứng đạo giao nan tương nghì

Dịch:
Phật chúng sinh tánh thường rỗng lặng
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn

Nghĩa:
Tâm của Đức Phật là tuyệt đối thanh tịnh, như hư vô
Người lạy là người được lạy thì sẽ có sự cảm ứng tức thì

Ta đến lẽ kính Phật để nương nhờ Phật, để cảm ứng với Phật thì ta phải có lòng thành kính, nhưng chưa đủ, mà phải không chấp ta, thấy không có gì là ta (Vô thường, vô ngã).

Khi ta không chấp ta, thì Phật tràn đầy trong ta; còn khi ta chấp ta, chấp ngã, hơn thua, kể công, tính toán thì giữa ta với Phật có bức tường ngăn cách, thì Phật không độ ta được nữa, mà thay vào đó thì ma sẽ giết ta (dữ dằn hơn, sân si, hơn thua, kiêu ngạo, chìm đắm trong dục lạc).

Có 3 điều Phật không làm được:
- Định nghiệp của chúng sinh, Phật không chuyển được
- Người không có duyên, Phật không độ được
- Phật không thể biết hết được chúng sinh trong pháp giới, bởi chúng sinh đông quá (Bất năng tận chúng sinh giới)

Truyện xưa, ông Tất Cô Độc có bà giữ kho không hề ưa Phật. Tới một hôm, khi nhân duyên đã đủ, Phật kêu ông La Hầu La tới, thế rồi ông độ được bà giữ kho. Khi mọi người hỏi thì Đức Phật nói là ở một kiếp xưa ông La Hầu La đã từng là con của bà.

Khi tâm ta loạn quá thì ta phải nhớ lời Phật dạy "Thân này là vô thường". Dù ta đi, đứng, nằm, ngồi lúc nào ta cũng nhớ "Thân này là vô thường".

Phật còn dạy chúng ta phải quán từ bi; Phật muốn chúng ta phải yêu thương chúng sinh, chúng sinh yêu thương nhau như Phật yêu thương chúng sinh. Nếu nói "Phật ở trong tâm" thì khi nào tâm ta có từ bi yêu thương mọi loài đó chính là tâm Phật. Trong kinh quán từ bi thì Phật dậy, người nào có tâm từ bi yêu thương muôn loài thì quỷ ma không dám xâm nhập, bởi người đó toát ra uy lực.

Đôi khi chúng ta bị ma đè, chân tay cứng hết, có khi niệm Phật mà không hết, lúc này quán từ bi, rải lòng yêu thương chúng sinh thì ma quỷ giạt ra liền.

Chúng ta phải luôn nhắc tâm mình quán từ bi, nguyện lòng yêu thương tất cả chúng sinh, khi đó tâm ta cũng bớt loạn.

Ta phải làm Phật sự, Phật ở đâu? Phật ở trong lòng thành kính của ta đối với Ngài. Phật ở trong việc ta thực hành lời Phật dạy. Phật ở trong Thiền định để ta thấy được vô thường, vô ngã. Phật cảm ứng khi ta có thể rải lòng thương yêu chúng sinh. Phật ở trong những việc công đức ta làm được trong cuộc đời của mình. Ta giúp người, giúp đời; làm mà không chấp công. Không có nói suông nữa, mà phải giúp đời, hộ đạo.

Người vừa giúp đời, vừa hộ đạo thì Phước rất lớn, hiểu đến đây rồi thì không tiếc công, tiếc sức, tìm con đường khổ mà đi, việc khó mà giánh vác. Cái gì dễ, bình an thì để người khác. Có Phước đến thì không hưởng, mà để đó mà làm Phước tiếp.

Trở lại câu hỏi đầu tiên: Niết Bàn ở đâu?
- Có phải Niết Bàn là bao trùm vũ trụ này không? Không phải. 
- Niết Bàn bé như mũi kim có phải không? Không phải.
Niết Bàn không có nơi có chỗ, nhưng cũng không phải là hư vô.

Có một bài pháp mà Phật đã nói.
Này các tỳ kheo, chính vì có cái không sinh, không diệt, không đau khổ, không vướng mắc, khỏi vô minh, nên Như Lai mới giảng một pháp để thoát khỏi trầm luân sinh tử, khỏi khổ đâu sinh-diệt.

Khi ta có lòng thành kính với Phật, với các vị A-la-hán thì các vị độ cho ta thấy liền. Còn nếu lòng ta nguội lạnh thì. Nếu ta thấy ta cũng hư vô, thì ta cũng có cảm ứng. Nếu ta rải lòng thương yêu chúng sinh, ta cũng đạt được cảm ứng Niết Bàn của Chư Phật. 

Tâm lúc nào cũng thanh tịnh tỉnh giác không phải là tâm Phật, mới chỉ là một bước ban đầu, một mức cạn trên con đường đi đến Niết Bàn. Không nên ôm giữ cái tỉnh giác đó mà cho là cao siêu, trái lại phải dùng nó để thấy thân này là vô thường.

---
Lưu ý


No comments:

Post a Comment